Cẩm nang nghề nghiệp
Nghệ thuật ứng xử khi mắc lỗi trong công việc: Để giữ uy tín và cải thiện bản thân, đây chính xác là các bước bạn cần làm
Rất nhiều người đều từng phạm phải sai lầm khi làm việc, tuy nhiên đó không phải là điều xấu. Nói cách khác, đó là cơ hội để chúng ta hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong những lần sau.
Có thể bạn đã từng trễ deadline công việc hoặc gặp gỡ đối tác nhưng chưa kịp chuẩn bị từ trước hoặc có thể bạn gửi nhầm bản thảo công việc cho cấp trên. Dù tình huống là gì chăng nữa, điều quan trọng nhất đó là bạn nên hành động và giải quyết tình huống càng sớm càng tốt.
Để giữ uy tín và cải thiện bản thân sau khi mắc lỗi trong công việc, đây chính xác là các bước bạn cần làm:
1. Cho phép bản thân cảm thấy tồi tệ
Hoàn toàn bình thường khi bạn cảm thấy lúng túng, xấu hổ, thất vọng hoặc lo lắng rằng mình có thể bị sa thải.
Chấp nhận những gì đã xảy ra và cho phép bản thân trải qua những cảm xúc đó – nhưng đừng quá lâu. Sau đó, hãy hít một vài hơi thở sâu và tự nhủ với chính mình “Đây không phải là ngày tận thế.”
2. Đánh giá những gì đã xảy ra
Đặt giả thiết rằng người khác gây ra sai lầm đó và đánh giá những chuyện đã xảy ra với một cái nhìn bình tĩnh và khách quan.
Hãy tự hỏi mình những câu hỏi tiêu biểu sau:
– Sai lầm đó là gì?
– Những hành động nào dẫn đến sai lầm đó?
– Hậu quả để lại của sai lầm đó là gì?
– Lẽ ra người đó nên làm gì?
– Làm thế nào để sai lầm đó không tiếp diễn trong tương lai?
Có thể bạn nghĩ rằng đó không hoàn toàn là lỗi của bạn, nhưng chỉ đến khi bạn xem xét và đánh giá tình huống từ góc độ không thiên vị, khách quan, bạn mới nhận ra đâu là vấn đề cần tháo gỡ.
3. Sửa lỗi của bạn (nếu có thể) và xin lỗi
Nếu có cách khắc phục lỗi của mình, hãy thực hiện ngay. Sau đó, hãy thông báo cho sếp của bạn biết chuyện gì đã xảy ra và chân thành xin lỗi. Tùy thuộc vào lỗi lớn hay nhỏ, bạn có thể thực hiện qua email hoặc gặp trực tiếp.
Nên trình bày vấn đề một cách ngắn gọn và tập trung vào điểm chính: “Chào anh A, sang nay em đã sơ xuất gửi bản lỗi của báo cáo bán hàng cho anh. Em rất xin lỗi về sự bất cẩn này. Em vừa gửi lại cho anh bản báo cáo chính thức, nếu có vấn đề gì anh có thể liên lạc lại với em.”
Nếu bất kỳ đồng nghiệp nào của bạn bị ảnh hưởng bởi sai lầm mà bạn gây ra, hãy liên hệ và xin lỗi họ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hãy chú ý đến những người bạn chia sẻ thông tin này bởi không phải ai trong văn phòng cũng cần biết.
4. Có một cuộc họp riêng với sếp của bạn
Điều này không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng nếu sai lầm của bạn dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng, hãy đề xuất với sếp của bạn sắp xếp một cuộc họp riêng.
Khi hai người mặt đối mặt, hãy thực tế, rõ ràng và chịu trách nhiệm về những hành động của mình: “Em muốn một lần nữa xin lỗi về… và muốn giải thích cho anh những chuyện đã xảy ra.”
Không một vị sếp nào mong đợi những sai sót trong công việc, vì vậy đừng nên than vãn hoặc cố gắng đưa ra lời bào chữa.
5. Đưa ra giải pháp
Sau khi bạn giải thích những gì đã xảy ra với sếp của mình, hãy đưa ra những giải pháp có thể.
Bạn có thể nói là: “Em biết mình đã trễ deadline công việc mà anh đã giao nhưng hôm nay em có thể ở lại muộn hơn để hoàn thành mọi việc.”
Nếu bạn thực sự không thể nghĩ ra giải pháp, hãy thành thực với sếp: “Em muốn khắc phục những sai sót mà mình gây ra, nhưng thực sự em không biết làm thế nào. Em có thể làm gì để cải thiện tình hình hiện tại ạ?”
6. Thay đổi cách bạn làm việc
Bạn nên liên tục điều chỉnh phong cách làm việc cho đến khi tìm thấy một thói quen phù hợp nhất với mình.
Nếu bạn luôn trễ deadline và chậm trễ trong công việc, hãy cân nhắc việc thức dậy sớm hơn để có thể bắt đầu một ngày mới. Kết hợp các thói quen lành mạnh như đi dạo ngoài trời hoặc ngồi thiền trong vài phút cũng có thể giúp cải thiện sự tập trung của bạn.
7. Hãy tử tế với chính mình
Học hỏi từ những sai lầm của bạn, loại bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực hơn. Thực tế, những sai lầm bạn mắc phải sẽ không hủy hoại sự nghiệp của bạn, nhưng cách bạn phản ứng với chúng thì hoàn toàn có thể.
Theo Nhịp sống kinh tế/CNBC