Tin tức Kinh doanh - Tài chính

Năm 2021: Tăng tuổi nghỉ hưu

Sáng 20-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (BLLĐ, sửa đổi) với 90,06% đại biểu tán thành.
Từng bước giảm giờ làm

Trước đó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình và chỉnh lý dự thảo BLLĐ.

Năm 2021: Tăng tuổi nghỉ hưu - ảnh 1Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

 

Về thời gian làm việc bình thường (từng được đề xuất giảm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần), theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ đề nghị trước mắt giữ nguyên quy định hiện hành và có lộ trình giảm vào thời điểm thích hợp.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH xin tiếp thu và báo cáo QH việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào nghị quyết của kỳ họp. Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội đề xuất giảm giờ làm việc bình thường, đồng thời giữ quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ/tuần đối với người lao động (NLĐ) (như công chức, viên chức hiện nay – PV).

“Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể. Đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên…” – bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Đối với việc gây tranh cãi tăng khung giờ làm việc tối đa (từng được đề xuất tăng từ 300 giờ lên 400 giờ/năm), Ủy ban Thường vụ QH đã lấy phiếu thăm dò, sau đó đề nghị QH giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm tối đa (300 giờ/năm). “Nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm” – bà Thúy Anh nói.

Về tuổi nghỉ hưu, QH đã quyết định theo phương án sau: “Kể từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, của nam là 62 tuổi vào năm 2028”.

Năm 2021: Tăng tuổi nghỉ hưu - ảnh 2

Năm 2021: Tăng tuổi nghỉ hưu - ảnh 3
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)

 

Tăng tuổi hưu và bảo toàn quỹ BHXH

Trả lời báo chí bên hành lang QH sau khi BLLĐ được thông qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược, nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số. Đồng thời, giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế – xã hội, vừa phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ BHXH, giải quyết hài hòa việc bình đẳng tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.

Theo ông Đào Ngọc Dung, lộ trình tăng tuổi hưu trên là chậm. Đặc biệt, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ thực hiện với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi, đồng thời nếu NLĐ bị thêm suy giảm sức khỏe 61% thì có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa.

“Hiện nay chúng ta có danh mục 1.810 ngành nghề, lĩnh vực có công việc nặng nhọc, độc hại… với khoảng 3 triệu người, số này chắc chắn được nghỉ hưu sớm hơn năm năm và thậm chí sâu hơn…” – Bộ trưởng Dung khẳng định và cho biết thời gian tới danh mục này sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Còn những trường hợp có trình độ cao, do yêu cầu công việc thì có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá năm năm. “Đặc biệt, họ sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia…” – bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến thời gian làm việc bình thường (quy định hiện hành 48 giờ/tuần), ông Đào Ngọc Dung khẳng định đây là vấn đề lớn, tác động sâu rộng đến tất cả chủ thể, đối tượng, từ NLĐ, cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp… Và quan trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nên ta cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ.

 

Quyền của người lao động được mở rộng

BLLĐ vừa được QH thông qua có nhiều điểm mới, mở rộng quyền cho NLĐ.

Theo đó, NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động…

BLLĐ cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ. Bổ sung thêm trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương.

Luật cũng quy định thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ trong quan hệ lao động, phù hợp với các công ước của ILO…

Đối với người sử dụng lao động, lần đầu tiên luật hóa việc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên… Bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận.

BLLĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

 

Có hai ngày nghỉ lễ 2-9

Đối với việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH chọn phương án tăng thêm ngày cận kề Quốc khánh 2-9. Vì lẽ nghỉ lễ 2-9 hai ngày sẽ tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. “Đồng thời nghỉ lễ 2- 9 trong hai ngày sẽ đáp ứng được mong muốn của NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới” – bà Nguyễn Thúy Anh giải thích thêm.

 

 

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh