Công ty Huy Việt Nam từng được xem là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới khởi nghiệp lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng ẩm thực (F&B) Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế việc gọi được vốn đầu tư từ nước ngoài đã khó, nhưng sử dụng nguồn vốn đó thế nào để tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh, thì đó còn là câu hỏi khó hơn.
Theo các chuyên gia, gọi được vốn đầu tư từ nước ngoài đã khó, nhưng sử dụng nguồn vốn hiệu quả lại càng khó hơn
Giống như “người anh em” The KAfe, Huy Việt Nam cũng nhận được vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài với tổng số tiền 65 triệu USD từ 3 lần gọi vốn, trong đó lớn nhất là Quỹ Templeton Asset Management. Cụ thể:
Huy Việt Nam bắt đầu huy động vốn từ đầu năm 2013 với 3 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên.
Cuối năm 2014, Công ty Huy Việt Nam gọi vốn thành công vòng Series B (thời điểm đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn phát triển bằng cách mở rộng thị trường) với số tiền 15 triệu USD từ các nhà đầu tư ở Malaysia, Hàn Quốc và Hồng Kông.
Tháng 4/2015, bước ngoặt lớn nhất đến với công ty này khi đã gọi vốn thành công vòng series C (thời điểm đầu tư để thúc đẩy bán hàng và gia tăng lợi nhuận) với số tiền lên tới 15 triệu USD. Khoản tiền này được rót từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lý.
Ngoài Templeton, còn có các quỹ đầu tư khác như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners hay Welkin Capital đều đang là chủ sở hữu của Huy Việt Nam.
Sau hơn 10 năm, Huy Việt Nam có 9 thương hiệu, bao gồm: Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Phở 99, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill, TP Tea, Mì Quảng Bếp Tâm.
Họ có 3 hình thức cửa hàng: cửa hàng đơn lẻ 1 thương hiệu – hình thức này khá hiếm trừ TP Tea, cửa hàng tích hợp Món Huế cùng 1 đến 2 thương hiệu khác – hình thức phổ biến nhất, cuối cùng là Food Hall tích hợp 6 thương hiệu chính (Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill) – hình thức này ra đời sau cùng và cũng không nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, việc tích hợp các thương hiệu khác vào Món Huế khiến các thương hiệu của Huy Việt Nam ‘chết chìm’, nhất là các thương hiệu ít cửa hàng và chuyên ‘đính thêm’ vào Món Huế hoặc Food Hall giống Iki Sushi (9 cửa hàng) hay Great Bánh mì và Cà phê (5 cửa hàng) thì gần như phải chịu chung số phận bị tiêu diệt như Món Huế.
Shilla Korean BBQ và Grill có 2 cửa hàng chuyên tích hợp cũng không thoát khỏi vận mệnh bi thảm tương tự.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solution, việc gọi được vốn đầu tư từ nước ngoài đã khó, nhưng sử dụng nguồn vốn đó thế nào để tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh, thì đó còn là câu hỏi khó hơn.
Huy Việt Nam đã tăng quy mô chóng mặt
Nhận vài chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, Huy Việt Nam đã tăng quy mô chóng mặt. Chỉ riêng năm 2015, ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express đã nâng số cửa hàng gấp 7 lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015.
Thậm chí, chỉ trong năm 2015 họ mở 31 cửa hàng, trung bình 1 tháng mở gần 3 cái.
Trước khi đóng cửa hàng loạt, Huy Việt Nam có 200 điểm bán với 10 thương hiệu khác nhau.
“Việc mở rộng quá nhanh trong khi chưa có hiệu quả tài chính đủ tốt tại những cửa hàng hiện tại là quá mạo hiểm”, ông Việt nói.
Ông phân tích Món Huế mở rộng với hy vọng quy mô tăng nhanh sẽ giúp giảm chi phí bình quân là chưa chính xác trong hoàn cảnh của ngành hàng F&B vốn đòi hỏi chi phí mặt bằng cao, tỷ lệ hư hỏng nguyên vật liệu lớn, mức độ đa dạng nguyên vật liệu cao dẫn đến ưu thế trong thương lượng với nhà cung cấp không thật tốt.
“Chính điều này đã đốt tiền của nhà đầu tư; tạo ra sức ép tài chính, sức ép trong dòng tiền; tạo ra sự hy sinh và suy giảm về chất lượng sau này”, ông Việt nói.
Với việc gọi thành công vốn “khủng” từ các quỹ đầu tư nước ngoài, mô hình tiếp tục mở rộng thành chuỗi với tốc độ phát triển quá nhanh, các khiếm khuyết ngày càng lộ rõ. Nếu không có một bộ máy quản trị tốt thì thất bại là điều có thể nhìn thấy.
Cũng chính vì lẽ đó, nhà sáng lập Đào Chi Anh của The KAfe đã từng chia sẻ trong tiếc nuối: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”.
Còn nhớ, tại hội thảo chuyên về nhượng quyền bán lẻ ngành thực phẩm và đồ uống, chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, từng cảnh báo kinh doanh chuỗi không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đường trải hoa hồng chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài.
“Nếu DN làm ăn với tâm thế đánh nhanh rút gọn, ăn xổi ở thì, thị trường Việt Nam có thể sẽ đầy gai nhọn. Đến nay, những cảnh báo này đã trở thành hiện thực. Kinh doanh chuỗi tại Việt Nam đang đối diện rất nhiều rủi ro”, bà Vân nói.