Cẩm nang nghề nghiệp

Môi trường làm việc tốt nhất cho người hướng nội?

 

Môi trường công sở đặt người lao động vào các tình huống nhóm khá thường xuyên, cho dù đó là cuộc họp chính thức hay chỉ là gặp gỡ tại căn tin vào giờ ăn trưa,” chiến lược gia về nghề nghiệp Heather Huhman nói, và giải thích lý do cho thấy việc chia sẻ bất cứ thứ gì, từ ngăn kệ để trà bánh trong phòng ăn cho đến hộc tủ đựng đồ dùng cá nhân, cũng là sự đấu tranh đối với người thích giao tiếp một-một, hay nói cách khác là những người hướng nội.

 

Huấn luyện viên về điều hành Karen Elizaga cũng đồng tình và còn nói thêm rằng, “không giống như người hướng ngoại vui vẻ hấp thụ năng lượng từ xung quanh, người hướng nội cần có thời gian ở một mình. Họ rất cần và chỉ có thể nạp lại năng lượng trong sự cô độc.”

Nhưng làm thế nào để người hướng nội có được thời gian để ở một mình như họ muốn trong môi trường công sở? Dưới đây CareerBuilder.vn chia sẻ bốn lời khuyên từ chuyên gia, hi vọng các gợi ý này sẽ giúp người hướng nội tìm ra văn hoá hoặc môi trường làm việc lý tưởng dành cho mình.

 

1. Tìm không gian làm việc có cửa

Bạn thường hay tập trung vào tiền lương hay các loại phụ cấp, đặc quyền trong quá trình tìm việc, nhưng lại dễ dàng “mất cảnh giác” với một loại lợi ích rõ ràng hơn: phòng riêng hoặc chỗ ngồi tiện nghi cho mỗi ngày đến công ty, hoặc ít nhất cũng là không gian làm việc có cửa. Huhman giải thích, “biết rằng các sinh viên vừa ra trường hay nhân viên cấp thấp có thể sẽ khó kiếm được một phòng làm việc riêng, nhưng ở đây chúng ta đang đề cập đến môi trường để người hướng nội thể hiện tốt nhất.” Thêm vào đó, “những công ty thông minh sẽ biết cách tạo ra nhiều không gian làm việc khác nhau để nhân viên có thể tối đa chất lượng và hiệu suất”. Một công việc cho phép lịch làm việc linh hoạt hoặc cơ hội làm việc từ xa là rất lý tưởng cho người hướng nội, Elizaga nói. “Nếu có điều kiện, hãy làm việc thoải mái tại nhà của mình. Bạn có thể thoải mái “tung hoành” trong sự cô độc, nạp đầy pin và bước trở ra gặp gỡ thế giới với trạng thái năng lượng tuyệt vời.”

 

2. Tìm kiếm nhà lãnh đạo có tư duy cầu tiến

Công ty hoặc tổ chức mà bạn quan tâm đang sở hữu đội ngũ lãnh đạo biết vạch ra mục tiêu và có kế hoạch cho những ngày, tuần, tháng sắp tới; hay họ vận hành theo kiểu chuyện tới đâu tính tới đó, không cần kế hoạch hay có thiết bị hỗ trợ trong tay? Khi đề cập đến hiệu quả làm việc với các lãnh đạo cấp cao, người hướng nội đáp ứng tốt nhất với các nhà hoạch định, Huhman nói. “Người hướng nội dường như có thể nhìn thấy những gì họ sắp làm vào ngày kế tiếp, tuần sau đó, và cứ thế.” Vì vậy, hãy cố gắng tìm những người sếp có thể giúp bạn hình dung ra nhiệm vụ và xác định rõ cách giải quyết từng vấn đề. Điều người hướng nội nên tìm kiếm là một lãnh đạo biết cách khơi gợi sức mạnh nhân viên. Tính cách hướng nội, trái với niềm tin phổ biến, không phải là một điểm yếu. Tuy nhiên, họ có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn, nhà lãnh đạo có tư duy cầu tiến sẽ biết cách giúp các cá nhân gặt hái thành công theo cách tự nhiên mà tuyệt vời nhất.

 

3. Tìm những công ty duy trì nhiều phương thức giao tiếp không đồng bộ 

Các cuộc họp nhóm có thể là hình thức phản hồi khiến người hướng nội trở nên thủ thế và dè dặt. Nhưng sử dụng các công cụ trò chuyện nhóm kết hợp quản lý tiến độ công việc như Slack lại khiến họ thoải mái và cởi mở hơn nhiều. Bởi các dạng ứng dụng/phần mềm chat hoặc email như thế này cho phép người dùng có thể làm việc độc lập trong khi vẫn được cung cấp các phản hồi cũng như sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Vì vậy, người hướng nội hãy tìm các công ty mở ra cho bạn nhiều kênh giao tiếp và tương tác khác nhau (như điện thoại, email, trực tuyến…) chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải trực tiếp đến phòng họp.

 

4. Biết giới hạn riêng của mình

Nếu chưa thể tìm ra nhóm tính cách của vị sếp lý tưởng, loại hình công ty bạn thực sự quan tâm, hay chưa từng nghe về Slack, bạn vẫn có thể tự đưa ra đánh giá liệu rằng mình có thoải mái trong môi trường công sở dự kiến hay không bằng cách xác định giới hạn bản thân. Hãy cảm nhận và dự kiến xem môi trường làm việc này có thể tương thích đến mức nào và phù hợp ra sao với giới hạn riêng của bạn.

Ví dụ: Nếu việc kết nối các mối quan hệ là cơn ác mộng với bạn, đừng vội “chộp lấy” vị trí tại một công ty yêu cầu phải thường xuyên tham gia các sự kiện, lễ hội hay networking. Bạn là người biết rõ nhất mình sẽ thoải mái và vui vẻ khi làm việc gì, Emily Elizaga khẳng định.

 

 

Theo CareerBuider Vietnam