Cẩm nang nghề nghiệp

Làm gì nếu bạn bế tắc trong công việc?

 

Điều gì xảy ra nếu như bạn không thấy vui với công việc hiện tại? Bạn có chọn sai nghề hay không? Khi bạn thấy mình đang phải đối mặt với một tình huống gay go và bế tắc trong cuộc sống và công việc, bạn sẽ làm gì?

Hãy tham khảo một vài lời khuyên từ Patty McCord, nhà sáng lập Patty McCord Consulting và trước đây là Giám đốc Phát Triển Nhân Tài của Netflix.

 

 

Hỏi: Chắc hẳn bà đã gặp nhiều trường hợp bế tắc trong công việc hoặc khủng hoảng nghề nghiệp trong suốt 12 năm ở Netflix. Bà thường khuyên họ điều gì?

PM: Thật ra tôi thường bắt chuyện với họ trước. Tôi sẽ nói thẳng thắn với những nhân viên đang gặp vấn đề nan giải và trao đổi kỹ hơn. Một nhân viên muốn trở thành nhà văn, tôi sẽ hỏi người ấy “Điều gì đang ngăn cản bạn mà bạn còn chưa thực hiện?”. Tôi sẽ ngồi xuống và lắng nghe họ, sau đó giúp họ lên kế hoạch cho những bước tiếp theo như: “Rủi ro tài chính mà bạn gặp phải là gì?”. Tôi cũng có bị cấp trên khiển trách nhiều lần về việc để nhân tài ra đi, nhưng tôi lại nghĩ rằng họ ở công ty mà chẳng vui vẻ thì đi làm làm gì?

 

Hỏi: Nếu một nhân viên muốn nghỉ việc và thử điều gì đó mới, rồi sau này quay lại công ty, bà có sẵn lòng cho họ nghỉ không?

PM: Tất nhiên là tôi đồng ý với điều kiện vị trí đó vẫn còn trống, và họ phải là ứng viên tốt nhất tại thời điểm đó. Nhưng thật ra nhân viên nghỉ từ 6 tháng trở lên là họ đã thực sự muốn nghỉ việc.

 

Hỏi: Những vấn đề gì thường gặp ở một người muốn thay đổi hoàn toàn công việc hiện tại?

PM: Thông thường người đi làm sẽ bị tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài – ba mẹ mất, con tốt nghiệp ra trường, vợ/chồng bị đuổi việc. Những sự kiện lớn xảy ra thường làm cho con người ngừng mọi việc lại để suy nghĩ về chính bản thân mình.

 

Hỏi: Bà có nhận xét gì về việc nhiều người cố gắng hết sức trong công việc rồi bỗng nhận ra đó không giống như những gì họ đã hình dung trước đây?

PM: Hãy tự động viên bạn đã đi xa ngần ấy, và cân nhắc xem bạn muốn làm gì tiếp theo. Đây là những giai đoạn trong cuộc đời bạn. Hãy suy nghĩ lại về quan điểm của bạn về công việc. Tôi thường thuyết phục người khác rằng sẽ có lúc khái niệm “công việc ổn định” không còn tồn tại. Công việc là một phạm trù hai chiều và bạn phải tự vấn bản thân xem bạn muốn gì từ cuộc đời và nghề nghiệp, để bạn sẽ trao đổi với công ty và tìm ra hướng hỗ trợ bạn đạt mong ước.

 

Hỏi: Ngoài việc khuyên những người đang đối mặt với khủng hoảng nghề nghiệp, bà có nhận xét gì về họ khi đi xin việc làm lại?

PM: Tôi luôn chọn những người có đam mê với công việc hơn là những người chỉ có bằng cấp mà không yêu thích công việc mình làm.

Những người đã đi làm trong một khoảng thời gian nhất định đã bước qua giai đoạn trưởng thành, từng trải, biết cân bằng cuộc sống và khôn ngoan hơn. Họ không tôn thờ công việc vì công việc chỉ là công việc chứ không phải là mọi thứ.

 

Hỏi: Tuy nhiên những người này đôi khi vẫn tìm kiếm công việc đơn thuần – họ cần nhiều điều có ý nghĩa hơn.

PM: Có lẽ vậy. Có thể họ tìm kiếm điều gì đó có ý nghĩa, hoặc chỉ là họ hào hứng với việc tìm ra điều gì đó thú vị hơn. Cá nhân tôi thấy rằng những người đã tiến xa trong công việc sẽ thích những vấn đề phức tạp với quy mô lớn hơn, bởi vì họ có khả năng đương đầu với những vấn đề này. Ví dụ như bạn học Kế toán và đã làm báo cáo qua nhiều năm, sẽ đến lúc bạn quan tâm đến việc lên kế hoạch và phân tích tài chính cho một tổ chức phi lợi nhuận. Tôi đã chứng kiến nhiều người quay trở lại công việc một cách ngoạn mục trong những môi trường hoàn toàn khác so với trước đây họ đã từng làm.

 

Hỏi: Lời khuyên tốt nhất dành cho những người đi làm thoát khỏi tâm lý chán nản là gì?

PM: Hãy nói chuyện với những người đang làm những điều bạn thích. Hãy đi phỏng vấn xin việc. Nếu nơi nào có việc tốt hơn thì bạn cứ thử. Tìm được việc làm yêu thích là đã giải quyết được phần nào vấn đề.

Tôi tin rằng bạn quyết định công việc cho mình, chứ không phải những công ty mà bạn làm việc. Bạn phải nghĩ đến những gì bạn thích làm và bạn muốn làm. Và bạn cần thẳng thắn với chính mình. Vì bạn phải quyết định cho chính cuộc đời mình.

 

 

Nguồn: Tổng hợp