Tin tức BĐS

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2020?

 

Trong bối cảnh thị trường BĐS 2019 bước vào chu kỳ suy giảm, còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết, thì bất động sản 2020 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng tích cực.

 

Thị trường BĐS năm 2019 không hoàn toàn màu xám nhưng theo các chuyên gia, những mặt hạn chế còn tồn tại thì cần phải được giải quyết mạnh mẽ trong năm 2020 để thị trường phát triển thông thoáng, lành mạnh. Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra, thị trường BĐS năm 2019 có cả điểm tích cực và tiêu cực đan xen. Cụ thể:

 

Điểm tích cực

GDP Việt Nam tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%.

Vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 10,2%.

Lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước. Trong đó, hơn 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS.

Nhu cầu nhà ở rất lớn, Việt Nam đang là Quốc gia đông dân thứ 15 thế giới. Hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Đến nay, trên cả nước đã có gần 997 km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác, kết nối các vùng.

 

Điểm hạn chế

Tín dụng: Thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước đã siết chặt nguồn vốn tín dụng vào BĐS.

Thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản.

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung và vấn đề chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu.

Động thái rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình giao đất, cấp phép xây dựng cho các dự án phát triển BĐS. Quá trình phê duyệt đầu tư, phát triển dự án BĐS được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến Bất động sản còn chưa đồng bộ:

Hàng loạt các dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý được rao bán công khai trên thị trường.

Chi phí đầu tư, phát triển dự án tăng cao: đền bù, giải phóng mặt bằng, nhân công, lãi suất, vật liệu,…

Theo đơn vị này, thị trường BĐS Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc, nhưng thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường BĐS 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Còn theo DKRA Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm liên tiếp, từ năm 2015 đến 2019, thị trường BĐS trải qua các trạng thái khác nhau từ: Năm 2015: Tăng trưởng; từ 2016 – 2017: Phát triển nóng; Giữa 2018: Bắt đầu hạ nhiệt; năm 2019: Suy giảm. Theo đơn vị này, nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS năm 2020 có thể bắt đầu đi vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng và chuẩn bị bước vào giai đoạn trầm lắng suy thoái?

“Rõ ràng, thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn thách thức với nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải hành động, cần những hành động đột phá để để vượt qua thử thách. Theo tôi, thị trường đang phát triển theo hướng tốt. Đây là giai đoạn thị trường giải quyết các nút thắt để làm nền tảng chung cho sự phát triển ở các năm tiếp theo.

Hiện các công ty làm việc không tốt đã có những chế tài, đã có những điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển bền vững hơn. Có thể nói năm 2020 sẽ là năm nền tảng cho thị trường BĐS. Mà ở đó các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng năng lực”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh.

 

 

Theo Trí thức trẻ