Tin tức BĐS

Hải Dương: Buông lỏng quản lý đất đai, dân khốn khổ

 

Nhiều héc ta đất tái định cư giao cho doanh nghiệp triển khai với mục tiêu TĐC nhưng đã bị doanh nghiệp chuyển nhượng trái phép, sai đối tượng với 112 lô đất trong tổng số 195 lô đất tại phường Tân Hải, TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương).

 

Người dân bỏ tiền mua đất của doanh nghiệp, xây nhà cả chục năm nay, song vẫn dài cổ chờ được cấp “sổ đỏ”(giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Sau nhiều năm đội đơn đi gõ cửa cơ quan chức năng bất thành, mới đây người dân tá hỏa khi biết tin doanh nghiệp bán đất cho mình còn là bất hợp pháp, chưa có quyền sở hữu cả khu đất đó (!?).

 

Hơn 100 hộ dân Khu TĐC Tân Hải, TP. Hải Dương mòi mỏi chờ cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

 

Trong khi đó, nhiều lần UBND tỉnh Hải Dương có công văn yêu cầu sở Tài chính chủ trì lập khung giá đất dự án TĐC phường Hải Tân để UBND tỉnh phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, nhưng suốt nhiều năm qua Sở này vẫn không thực hiện. Dư luận đặt ra câu hỏi về những khuất tất khiến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Ngày 14/8, phóng viên Báo TN&MT đã làm việc với bà Tâm, Chánh Văn phòng Sở Tài chính để đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Tài chính Hải Dương để tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc phê duyệt khung giá đất cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, Sở Tài chính Hải Dương vẫn không có hồi âm cho báo chí.

 

Lúng túng trong quản lý điều hành

Khu tái định cư phường Hải Tân, TP Hải Dương được hình thành từ việc mở rộng phát triển đô thị trong những năm 2002-2006. Để phát triển đô thị khu vực phía Nam thành phố, ngày 17-9-2002, Chính Phủ ra Quyết định số 802/QĐ- TTg cho phép UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo xây dựng đường vành đai phía Nam TP Hải Dương và xây dựng Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thành phố Hải Dương.

Phương thức đổi quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, diện tích đất phải thu hồi để xây dựng đường vành đai và Khu du lịch sinh thái là 359.221m2. Để thu hồi diện tích này, khoảng 300 hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều hộ cần tới việc tái định cư.

 

Hải Dương: Buông lỏng quản lý đất đai, dân khốn khổ

Người dân vẫn chấp hành việc nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hằng năm.

 

Để bảo đảm có nơi ở cho những người thuộc diện di dời, ngày 4 tháng 7 năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 2686/QĐ-UB do Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh Quyến ký về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phường Hải Tân, TP Hải Dương.

Trong đó nêu rõ quy mô của dự án là 29.359 m2, bao gồm đường giao thông với tổng diện tích 12.786 m2, đất xây dựng nhà ở cho tái định cư 14.739 m2 và một số diện tích dành cho xây dựng công trình công cộng khác.

UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch và xây lắp, Tư vấn xây dựng Hà Hải (nay là Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải) làm chủ đầu tư, trực tiếp thực hiện dự án tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố và Khu du lịch sinh thái và dịch vụ TP Hải Dương. Phương thức thực hiện dự án là giao đất và thu tiền sử dụng đất một lần, giá thu tiền sử dụng đất theo Quyết định của UBND tỉnh.

Theo Quyết định số 2686/QĐ-UB của UBND tỉnh Hải Dương, tính giá trị tiền đất thu hồi là 1.174,4 triệu đồng. Tính giá trị tiền đất trong tổng giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư là vậy, song việc thu tiền đất này, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì cùng các sở ngành liên quan xác định giá thu tiền sử dụng đất, các khoản thu khác theo quy định hiện hành, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên đã rất nhiều lần UBND tỉnh ban hành văn bản đốc thúc, nhưng đến nay vẫn chưa có khung giá đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính.

 

Hải Dương: Buông lỏng quản lý đất đai, dân khốn khổ

Ông Đào Đoàn Hưởng, phó trưởng khu dân cư số 14, phường Hải Tân, TP Hải Dương rất ngỡ ngàng khi biết doanh nghiệp chưa được cấp quyền mà ngang nhiên chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hàng trăm lô đất.

Một số ý kiến cho rằng, công việc tái định cư là nhiệm vụ của chính quyền, sao lại giao cho doanh nghiệp thực hiện. Để rồi doanh nghiệp đem đất TĐC đi bán kiếm lời, khác gì đổ của cho doanh nghiệp?

 

Bán đất trái thẩm quyền?

Ngày 23/11/2006, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định thu hồi 27.233 m2 đất và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải để xây dựng khu tái định cư phường Hải Tân, thành phố Hải Dương.

Theo ông Nguyễn Thế Đệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải đến nay đã 13 năm, tỉnh Hải Dương cũng chưa có văn bản pháp lý nào của UBND tỉnh phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất của khu tái định cư này. Vì thế Công ty cũng không có căn cứ để nộp tiền sử dụng đất một lần cả Khu tái định cư phường Hải Tân cho cơ quan chức năng.

 

Hải Dương: Buông lỏng quản lý đất đai, dân khốn khổ

Chưa được cấp quyền sử dụng đất nhưng hàng loạt ngôi nhà cao tầng vẫn mọc lên giữa thành phố.

 

Như vậy, khi  Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) toàn của Khu TĐC Phường Hải Tân theo quy định của pháp luật.

Bởi Công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương không thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cả khu tái định cư cho Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải. Điều đáng nêu là Công ty Hà Hải chưa có quyền sở hữu đất nhưng đã chia ra 195 thửa và hợp đồng chuyển nhượng, thu tiền cho 178 thửa đất của 168 hộ dân.

Trong đó, 103 hộ là khách hàng tự do, không thuộc diện tái định cư. Hiện tại 103 hộ với 113 thửa đất “không đúng đối tượng” thì 110 thửa đất TP Hải Dương vẫn chưa cấp Giấy chứng nhân QSDĐ (có 3 thửa thuộc 3 hộ đã “tự chạy” được sổ đỏ ?).

Ông Đào Đoàn Hưởng, phó trưởng khu dân cư số 14, phường Hải Tân, TP Hải Dương, ông Hưởng cho biết: Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải đã bán đất cho các hộ dân từ năm 2009.

Đến nay còn 110 lô đất chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ rất bức xúc. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND thành phố người dân có ý kiến rất nhiều việc quá lâu TP Hải Dương chưa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ. Mặc dù chưa có Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng các hộ dân đều phải nộp thuế sử dụng đất hàng năm cho phường Hải Tân.

Việc mua đất của Công ty CP Xây dựng – Du lịch Hà Hải, các gia đình trả tiền song phẳng, không nợ tiền đất, tại sao tới nay Công ty vẫn không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhà nước, vẫn không cấp “sổ đỏ” cho chúng tôi? Tôi thật bất ngờ khi tới nay, dự án khu du lịch sinh thái đã triển khai gần 20 năm mà Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hà Hải chưa có “sổ đỏ tổng” của Khu tái định cư ? Vậy sao Công ty lại được phép bán đất cho các hộ dân chúng tôi?.

Một cán bộ Sở Xây dựng Hải Dương khẳng định: Việc chuyển nhượng QSDĐ đất đai bất động sản khi chưa có Giấy chứng nhận QSDĐ là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo.

 

Trên chỉ đạo… dưới không làm (?)

Làm việc với các ngành chức năng và TP Hải Dương, chúng tôi được biết, qua nhiều năm doanh nghiệp chưa hoàn thành trách nhiệm tài chính, nhưng lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND TP Hải Dương cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân trong Khu tái định cư, cho phép doanh nghiệp sẽ hoàn thiện phần tài chính với tỉnh sau.

Tuy nhiên đến nay, qua nhiều lần có công văn đốc thúc, 110 lô đất vẫn chưa cấp GCNQSDĐ. Điều đó có phải trên chỉ đạo, dưới không làm theo hay các ngành chức năng không thể “thả gà ra đuổi”. Về nguyên tắc, chỉ khi nào doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất với tỉnh mới được làm thủ tục để cấp GCNQSDĐ tổng thể cả khu tái định cư.

Khi đó mới đủ điều kiện để UBND TP Hải Dương cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân ở đây. Nhưng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tỉnh Hải Dương phải ra quyết định giá thu tiền sử dụng đất, các khoản thu khác theo quy định của khu tái định cư. Sau đó doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình với nhà nước.

UBND tỉnh Hải Dương sớm chỉ đạo làm rõ, giải quyết dứt điểm vụ việc này, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi mà thời gian xây dựng Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thành phố Hải Dương đã triển khai được… 17 năm!

Trong quá trình thu thập thông tin, xác minh vụ việc, phóng viên phát hiện nhiều khuất tất, buông lỏng trong quản lý đất đai của chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương; sự lúng túng trong chỉ đạo điều hành; sự bất cập trong triển khai dự án dẫn đến việc để doanh nghiệp thực hiện dự án tái định cư, trong khi nhiệm vụ thực hiện TĐC, đảm bảo an sinh xã hội là trách nhiệm của chính quyền.

 

 

 

Theo TN&MT