Tin tức BĐS

Giải ngân nguồn vốn ODA ở mức đáng báo động

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến về việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 2019 diễn ra hôm qua (26/6).

 

Theo Bộ trưởng, giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công là công việc quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, số liệu giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.

Cụ thể, theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán NSNN của giai đoạn 2016 – 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn.

Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019, là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 – 2019 và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 – 2020, nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thì mới giải ngân đạt 46%.

“Đây là một con số rất đáng báo động. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính mong rằng các cơ quan quản lý dự án, các chủ dự án và đối tác phát triển để cùng bàn giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy giải ngân những dự án này”, Bộ trưởng Dũng bày tỏ sự lo ngại.

Theo Bộ Tài chính, sở dĩ việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm; Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công chậm;…

Việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, các thay đổi về quy mô, phạm vi, nội dung và sử dụng vốn dư đều cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD trong đó 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… dẫn đến việc chậm triển khai.

Về giải pháp, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi;

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020;

Nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.

 

Nguồn: CafeLand