Tin tức BĐS

Giá nhà đất Tp.HCM tăng phi mã, giới đầu tư “kẹp hàng”

 

Không chỉ người mua khổ sở vì giá nhà đất leo thang mà chính những người bán cũng chật vật khi muốn bán nhà, đất.

 

 

Năm 2019 được xem là năm khó khăn nhất của thị trường BĐS trong vòng 5 năm trở lại đây, bởi nguồn cung tắc nghẽn, hàng trăm dự án chôn chân vì vướng pháp lý, giá cả leo thang chóng mặt đã đẩy người mua nhà rơi vào thế khó chưa từng có.

Tuy theo nhận định của nhiều gia, trên thị trường hiện nay vẫn còn đủ nguồn cung tồn dư từ những năm trước nhưng đa phần là nguồn cung về các dự án hạng A, B… và nhà phố dạng Shophouse. Trong khi đó, nhu cầu của người dân lại tập trung nhiều ở các dự án hạng C với mức giá mong muốn là dưới 2 tỷ.

Nguồn hàng ít đi đồng nghĩa với việc mức giá cũng leo thang. Ghi nhận trong năm 2019, không chỉ đất nền tăng giá mạnh mà riêng về nhà phố riêng lẻ cũng tăng cao ngất ngưỡng theo giá đất, đặc biệt là các khu vực vùng ven Tp.HCM như Quận 12, Quận 9, Quận Thủ Đức…

Giá nhà đất Tp.HCM tăng phi mã, giới đầu tư kẹp hàng - Ảnh 1.

Quận 12, Củ Chi (Tp.HCM) cách đây vài năm giá đất chỉ khoảng 7-15 triệu/m2 nhưng nay đã dao động từ 30 triệu -70 triệu/m2, thậm chí mặt tiền các tuyến đường lớn hiện đã lên đến 137 triệu – 150 triệu/m2.

Tương tự ở Quận 9 cũng ghi nhận mức giá tăng cao kỷ lục. Hiện nay, giá đất nền mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, Tp.HCM đang được rao bán vài trăm triệu một m2. Miếng đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, gần ngã tư Bình Thái có diện tích hơn 1.000 m2 được rao với giá 130 triệu đồng/m2. Người bán giới thiệu đất có sổ hồng, thuận tiện trong việc mở siêu thị, kinh doanh buôn bán.

Thêm một khu vực có mức giá tăng mạnh đó là Khu dân cư Trường Lưu (sát bên chợ Long Trường). Cách đây khoảng 5 năm giá đất ở chỉ vào khoảng 6-8 triệu/m2 thì nay đã tăng lên ít nhất là 40 triệu, cao nhất 65 triệu/m2 tùy vị trí cách xa mặt tiền đường lớn Nguyễn Duy Trinh bao xa. Nhờ giá đất tăng chóng mặt, nhiều người lãi đậm từ 2 tỷ – 4 tỷ sau ít năm mua đất để dành.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế thì đây đang là mức giá được đẩy lên qua nhiều cơn sốt chứ thực chất lượng giao dịch diễn ra rất ít. Theo chia sẻ của một nhà đầu tư chuyên săn đất, nhà phố khu vực vùng ven thì những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 thị trường các khu vực này đã có dấu hiệu chững lại rõ nét.

Nguyên nhân là do giá tăng quá cao khiến cho nhà đầu tư e ngại rót tiền. Một mặt nhà đầu tư sợ ôm hàng không thể bán ra. Mặt khác, việc tăng giá quá nhanh cũng khiến cho nhà đầu tư lo ngại về tình trạng bong bóng giá có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, người có nhu cầu mua ở thực thì lại càng không muốn giao dịch mua bán vào thời điểm thị trường lên xuống thất thường như hiện nay. Một phần vì giá đã quá cao không có sản phẩm vừa túi tiền, một phần vì người dân mong đợi trong những năm tới thị trường sẽ có sự điều chỉnh hợp lý về mức giá thấp hơn so với mặt bằng hiện nay.

Do đó, mặc dù giá nhà/đất các khu vực vùng ven đã tăng cao nhưng đây chưa hẳn là tín hiệu vui mừng đối với nhà đầu tư hay chủ đất, chủ nhà. Bởi lẽ, tính từ giữa năm 2019 thị trường những khu vu vực vùng ven Tp.HCM ghi nhận rất ít giao dịch được diễn ra. Trong khi đó, hàng trăm người muốn bán nhà đất đều không thể tìm được người mua do mức giá đã quá cao.

Ông Trần Văn Nghị (ngụ quận 12) cho biết từ giữa năm 2019 gia đình ông muốn bán một khu đất rộng đang xây nhà trọ cho thuê với giá 7,5 tỉ đồng nhưng rao bán nhiều tháng nay không ai hỏi mua. Ông Nghị cho biết mặc dù giá ghi nhận đã tăng cao nhưng không phải dễ dàng để tìm khách mua có đủ số tiền nhàn rỗi như trên.

“Ai cũng nói giá nhà đất khu vực này bây giờ có thể sáng ngang Gò Vấp, Tân Bình nhưng tôi muốn bán để đi nước ngoài mấy tháng nay cũng không bán được. Giờ bán thấp hơn thì tiếc vì rõ ràng thị trường đã lên giá như vậy rồi”, ông Nghị thở dài.

Tương tự, chị Lê Thị Vũ (ngụ Q.9) cũng cho biết 2 vợ chồng rao bán một mảnh đất rộng 97m2 với giá trên 3 tỉ đồng nhưng rao bán cả năm trời không có khách hỏi mua. Cực chẳng đã, chị Vũ đành chọn phương án xây nhà cho thuê chờ thị trường ổn định hơn sẽ bán ra.

 

 

Theo Nhịp sống kinh tế