Tin tức BĐS

Dòng vốn 450.000 tỷ đồng đổ bộ vào Bình Thuận, hàng loạt dự án bất động sản tỷ USD xuất hiện

 

Sáng ngày 22/9, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỷ đồng (tương đương hơn 19,2 tỷ USD).

 

 

Sáng 22/9, tỉnh Bình Thuận khai mạc Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2019 với mục tiêu mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh.

Phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua. Dù vậy cũng lưu ý một số mặt tồn tại, hạn chế cần sớm kịp thời tìm hướng giải quyết hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.

Do vậy sau buổi làm việc và Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh nên chủ động phối hợp các Bộ ngành Trung ương tập trung tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo bước chuyển đổi mới cho Bình Thuận. Đồng thời tiếp tục quán triệt Nghị quyết về phát triển kinh tế biển vì địa phương sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, điện gió ngoài khơi…

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị địa phương tập trung những giải pháp trọng tâm thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là về du lịch, dịch vụ. Trong đó cần xây dựng gắn kết giữa du lịch và đô thị biển, tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm, phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Hội nghị ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao trong 3 lĩnh vực: du lịch, công nghiệp “xanh, sạch” và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.

Trong 2 năm qua, trên địa bàn Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng, khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 32.866 tỷ đồng. Trong đó cũng có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như VINGroup, Novaland, FLC… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.

Đặc biệt đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, như năm 2017 chiếm 74,78%, đến năm 2018 chiếm 78,13% và dự kiến năm 2019 chiếm 80%.

Sự ra đời của các dự án như Summer Land, NovaWorld, NovaHills, Tổ hợp nghỉ dưỡng và thể thao biển quốc tế Thanh Long Bay đang góp phần quan trọng giúp Bình Thuận đạt được mục tiêu đó. Tại Hội nghị năm nay, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án này, với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD.

Hướng tới giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Thuận đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm 2021 – 2025. Trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm là 7,67%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.600 USD, tỷ lệ thu nội địa (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) so với GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021 – 2025 đạt 9,5%…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, Bình Thuận tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án xung quanh 3 trụ cột chính: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị ven biển, khu dân cư; Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; Nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dịp này, Bình Thuận cũng công bố danh mục kêu gọi đầu tư với 50 dự án thuộc 3 trụ cột nêu trên và đặt kỳ vọng rất lớn sẽ thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Có thể kể đến: Khu du lịch Hàm Thuận – Đa Mi (mức đầu tư 500 triệu USD), Khu vui chơi giải trí tổng hợp trên đường Võ Nguyên Giáp (mức đầu tư 357 triệu USD) và Khu dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ Thiện Nghiệp – Phú Long (mức đầu tư 1,2 tỷ USD).

Đặc biệt là những dự án quy mô lớn như dự án điện gió ngoài khơi (tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD), dự án điện khí (mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD), Khu công nghiệp Tân Đức (mức đầu tư khoảng 500 triệu USD), hạ tầng dịch vụ logistics, cảng biển Vĩnh Tân… tạo kết nối kinh tế vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ.

Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu Rutin nhân tạo, các dự án đầu tư vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (huyện Bắc Bình), Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho rằng ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi “sếu đầu đàn” trong phát triển 3 “trụ cột” kinh tế. Và một số nhà đầu tư lớn đã tìm đến.

Có thể nêu “trụ cột” du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư đã xuất hiện Tập đoàn Mc Kinsey & Company, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Noval Land, đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với vốn hóa ngay khi lên sàn chứng khoán là 29.500 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vingroup cũng đã có mặt tại Bình Thuận qua khởi động các dự án du lịch tại TP. Phan Thiết.

Trong khi đó, ở “trụ cột” công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo thì 2 – 3 năm nay đã nghe nói đến dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà với công suất 3.400MW. Đây là dự án khổng lồ của Tổ hợp các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quốc tế do Công ty Enterprize Energy làm đại diện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương được phép triển khai công tác khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi với diện tích khoảng 2.000 km2, phạm vi cách mũi Kê Gà từ 20 đến 60 m.

Hay như dự án Dự án Hamubay Phan Thiết có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD được thiết kế với quy mô mang tầm quốc tế là tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng ngay tại trung tâm thành phố Phan Thiết, với tổng diện tích gần 130 ha, do tập đoàn Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư…

Còn ở “trụ cột” nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng đã xuất hiện Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, đơn vị có 23 công ty con tại các tỉnh, thành trong toàn quốc chuyên hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm thịt… sẽ phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tới về xây dựng chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới.

Sắp tới sân bay, đường cao tốc Bắc – Nam rồi sẽ hình thành. Tiếp nữa, một số tuyến đường nối kết khu vực Tây nguyên như QL 55, QL 28, 28B dẫn về Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được xây dựng, được mở rộng thì chuyện tiếp chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu đi nước ngoài của cảng biển nước sâu này sẽ sôi động.

Theo đó, hệ thống dịch vụ logistics cấp vùng, phát huy hạ tầng cảng biển nước sâu Vĩnh Tân cũng nhộn nhịp theo, khi hiện tại tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm Logistics Bình Thuận của Công ty TNHH Vitaco với quy mô 18,8 ha và tổng mức đầu tư là 108 tỷ đồng (đối diện Cảng Quốc tế Vĩnh Tân). Lúc này, khi kết cấu hạ tầng cho phát triển đã đồng bộ, các nhà đầu tư lớn hàng đầu trên thế giới sẽ tìm đến Bình Thuận với sự hấp dẫn của khám phá miền đất mới.

Dịp này, Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương chỉ đạo, tháo gỡ một số “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhất là sớm gỡ vướng cho các dự án du lịch, năng lượng tái tạo nằm trong vùng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ quặng titan. Xem xét, điều chỉnh tiến độ đầu tư một số công trình truyền tải trước năm 2020, tạo điều kiện cho địa phương tiêu thụ hết công suất các dự án điện mặt trời.

Ngoài ra còn xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 nhằm kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư Sân bay Phan Thiết, cho chủ trương đầu tư dự án Hồ La Ngà 3 và đồng ý về chủ trương nghiên cứu lập thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

Kết thúc hội nghị, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỷ đồng (tương đương hơn 19,2 tỷ USD).

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 21.800 tỷ đồng (khoảng 920 triệu USD).

Trong đó, có 5 dự án đô thị dịch vụ với số vốn hơn 15.800 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp với số vốn hơn 5.300 tỷ đồng; 2 dự án nông nghiệp với 456 tỷ đồng và 1 dự án y tế là Trung tâm điều trị tim mạch và Ung thư chất lượng cao với tổng vốn là 150 tỷ đồng.

Bên cạnh trao quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 435.000 tỷ đồng (tương đương 18,5 tỷ USD).

 

 

 

Theo Nhịp Sống Việt