Tin tức BĐS
Doanh nghiệp nội đang lép vế trong quản lý bất động sản
Câu hỏi trên được đặt ra tại tọa đàm ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị bất động sản trong quản lý và khai thác diễn ra tại TP.HCM ngày 30/10.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đã thống lĩnh thị trường quản lý bất động sản, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu tham gia. Ngay chuyện bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà doanh nghiệp nội vẫn chưa làm tốt, vẫn là sân chơi của khối ngoại.
Ông Châu cũng lưu ý trong tình bất động sản gặp nhiều khó khăn, HoREA đã đưa ra tám khuyến nghị lớn, trong đó có khuyến nghị về chiến lược gia tăng giá trị bất động sản. Trong chiến lược này, hiệp hội đã đề cập đến vấn đề quản lý các dự án sau khi đưa vào khai thác vận hành.
“Chúng ta phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vì các doanh nghiệp trong nước cũng có những lợi thế của mình. Chúng ta phải chen vào để từng bước chiếm lĩnh thị phần, từ đó thì các doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động kinh doanh của mình”, ông Châu phát biểu.
Phân tích nguyên nhân vì sao các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị phần quản lý vận hành nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương, nguyên Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, cho rằng có nhiều yếu tố quyết định.
Đầu tiên là nhiều nhà phát triển bất động sản vẫn muốn dùng các thương hiệu nước ngoài để thu hút khách hàng. Ngoài ra, không thể phủ nhận doanh nghiệp nước ngoài có tính chuyên nghiệp, tính hệ thống và áp dụng công nghệ vào quản lý, tạo ra nhiều tiện ích đầy đủ.
Đơn cử như việc đưa các cảm biến vào để nhận diện có bao nhiêu người trong tòa nhà và ở khu vực nào. Từ đó có thể tự động tắt đèn và hệ thống sưởi để tiết kiệm năng lượng hoặc cung cấp dữ liệu cho khách thuê doanh nghiệp tại các tòa nhà văn phòng để họ thiết kế và quản lý không gian hiệu quả hơn.
Từ đó, ông Khương cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài và trong xu hướng “chuộng ngoại” nhiều doanh nghiệp trong nước, ngoài việc xây dựng hệ thống, đầu tư cho con người thì cần chú trọng xây dựng thương hiệu để tạo lòng tin.
Vì quản lý bất động sản, theo ông Khương, thực chất là cung cấp dịch vụ, nên thương hiệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc người ta sẽ quyết định sử dụng dịch vụ của ai.
Theo thống kê của Công ty cổ phẩn Sài Gòn Triển Vọng (Savista), đến nay có khoảng hơn 100 công ty được cấp phép quản lý vận hành các tòa nhà. Trong đó, phần lớn là các công ty có tên tuổi của nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Savista, cho biết áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành bất động sản đang ngày càng được chú trọng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp dự án.
Theo ông Dũng, quản lý một dự án không chỉ là đảm bảo cho cư dân có cuộc sống yên bình mà còn phải làm gia tăng giá trị tài sản theo thời gian. Để làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp quản lý vận hành tòa nhà rất quan trọng.
“Nếu quản lý, kiểm soát hệ thống kỹ thuật không tốt theo thời gian tòa nhà sẽ xuống cấp. Còn nếu được quản lý tốt chất lượng tòa nhà sẽ được duy trì, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản của người mua nhà”, ông Dũng cho biết.
Theo CafeLand