Tin tức Đời sống - xã hội

Đề xuất tăng lương nhưng sếp mãi không đồng ý: Chỉ cần nhớ 5 mẹo sau đây, công ty nhất định cất nhắc và trọng dụng bạn!

 

Hãy tham khảo một số cách hữu ích dưới đây từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo doanh nghiệp để có nghệ thuật đàm phán lương thật hiệu quả bạn nhé!

 

Đàm phán lương với sếp thực sự là một bài toán khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ im lặng làm việc, hoàn toàn không đề cập đến lương bổng khi thấy mình xứng đáng thì sẽ chẳng có cơ hội được hưởng những giá trị mà ta đáng được nhận.

Đôi khi, việc đề xuất tăng lương với cấp trên là điều cần thiết nhưng lại vô cùng căng thẳng và khó thực hiện. Vậy phải làm thế nào để bạn có thể nắm được phần thắng trong các cuộc đàm phán thành công với cấp trên?

Hãy học hỏi 5 mẹo hữu ích dưới đây.

 

1. Lựa chọn thời gian thích hợp

Trước khi đề nghị tăng lương, hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh những gì đang diễn ra tại công ty của bạn.

Đề xuất tăng lương nhưng sếp mãi không đồng ý: Chỉ cần nhớ 5 mẹo sau đây, công ty nhất định cất nhắc và trọng dụng bạn! - Ảnh 1.

Khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính hay đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, có lẽ đó không phải là thời điểm thích hợp để yêu cầu tăng lương. Hoặc khi cấp trên đang giải quyết những vấn đề như cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc hoặc các vụ bê bối của công ty, bạn nên đợi cho đến khi những chuyện này lắng xuống.

Olivia Jaras, người sáng lập của trang web Salarycoaching.com cho biết: “Có lẽ đây là lúc bạn nên đồng cảm với cấp trên của mình, và thể hiện rằng mình là một người đáng tin cậy. Điều đó có thể tạo tiền đề tốt cho cuộc đàm phán tăng lương tiếp theo trong tương lai, và hoàn toàn có lợi cho bạn”.

 

2. Cân nhắc giá trị của bản thân

Việc bạn có được tăng lương hay không sẽ được quyết định bởi một vài yếu tố khác nhau. Một số sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng nghiên cứu kĩ về chúng sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội tốt hơn.

Trước khi đàm phán tăng lương, hãy xem xét thị trường việc làm và lương thưởng hiện tại. Hãy tìm hiểu mức lương hiện tại của bạn trong công ty so với giá trị của bạn trên thị trường, hiệu suất làm việc của bạn so với những đồng nghiệp xung quanh, cũng như quy định về lương thưởng của công ty như thế nào.

Xem lại hồ sơ xin việc và phần mô tả vị trí việc làm khi bạn được nhận vào làm việc cũng có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về hiệu suất công việc và phương hướng phát triển nghề nghiệp của mình. Có thể trách nhiệm của bạn đã tăng lên so với khi mới được nhận vào làm, hoặc bạn đã được đào tạo thêm nhiều kĩ năng khác và đảm nhận nhiều vị trí hơn so với lúc trước.

 

3. Hiểu quan điểm của cấp trên

Sau khi đã trang bị mọi thông tin cần thiết, có thể bạn sẽ cảm thấy mình có đủ tự tin để đề nghị được tăng lương. Nhưng đây là khoảng thời gian để bạn xem xét những thành tích mà mình đã đạt được theo quan điểm và góc nhìn của những người quản lý. Hãy cân nhắc những lý do nào sẽ khiến sếp nói không khi bạn đề nghị được tăng lương, và tìm ra cách để có thể giải quyết chúng.

 

4. Hành xử chuyên nghiệp

Lập luận của bạn phải hợp lý, và tránh nhắc đến những chuyện cá nhân. Sẽ thật không thông minh khi bạn đưa ra những lý do như không đủ tiền đóng học cho con hay đồng nghiệp được trả lương nhiều hơn bạn trong quá trình đàm phán tăng lương. Điều bạn nên làm đó là trình bày với sếp những đóng góp của mình cho công ty cũng như những gì bạn đã đạt được trong quá trình làm việc.

Nguyên tắc quan trọng để đàm phán lương thành công là mang tinh thần tích cực đến buổi đàm phán. Bạn nên thể hiện thái độ hài lòng về mức chi trả của công ty trước đây. Lý do tăng lương nằm ở chỗ: những đóng góp nhiều hơn cho công ty trong tương lai cần được trả công xứng đáng. Tuyệt đối không được đe dọa nghỉ việc hay ngầm gửi đến một thông tin tiêu cực nào khác. Điều này thực sự bất lợi cho sự thăng tiến của bạn.

 

5. Sẵn sàng cho câu trả lời “Không”

Đề xuất tăng lương nhưng sếp mãi không đồng ý: Chỉ cần nhớ 5 mẹo sau đây, công ty nhất định cất nhắc và trọng dụng bạn! - Ảnh 2.

Đàm phán tăng lương không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra theo kế hoạch bạn dự tính ban đầu, hãy chuẩn bị cho những kết quả không như mong muốn. Việc cấp trên không đồng ý tăng lương không phải là một sự thất bại, và hành xử một cách thông minh trong trường hợp này sẽ đem lại nhiều hứa hẹn cho việc được tăng lương ở lần sau.

Bạn có thể sẽ cảm thấy thất vọng khi không được xét duyệt tăng lương, nhưng phải nhớ luôn luôn kết thúc cuộc trò chuyện một cách tích cực. Hãy thể hiện rằng bạn rất hào hứng khi được tiếp tục làm việc và không ngừng đóng góp để xây dựng công ty, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán tăng lương trong tương lai.

Alex Twersky, nhà đồng sáng lập Resume Deli, một công ty dịch vụ sơ yếu lý lịch và việc làm, cho biết: “Bạn cần đàm phán một cách có chiến lược. Không nên quá cứng đầu và khăng khăng muốn được tăng lương. Bạn nên đối thoại một cách chuyên nghiệp, kiên nhẫn, thể hiện sự hợp tác và tinh thần cầu tiến với công ty”.

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, chúng ta thường ngại nhắc đến tiền bạc vì đây là một vấn đề khá nhạy cảm. Tuy nhiên, đàm phán tăng lương không phải là một yêu cầu bất hợp lí. Công ty không ban ơn cho nhân viên. Họ trả lương cho những giá trị hữu ích mà nhân viên mang về. Thế nên, đừng cảm thấy tội lỗi và sợ hãi khi đàm phán về lương thưởng.

Thay vào đó, hãy tự tin lên. Bạn hoàn toàn xứng đáng hưởng lợi ích vì những đóng góp tích cực của mình cho sự phát triển của công ty!

 

 

Theo Trí thức trẻ