Tin tức Kinh doanh - Tài chính

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở?

 

Nói về tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà đồng thời đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

 

 

Trong phần đặt câu hỏi, đại biểu Sinh đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt, nhái hàng Việt Nam. Đề cao câu trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh về nhận định, đánh giá của Chính phủ, của bộ về nguy cơ hàng nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đi sang nước thứ 3. Bộ trưởng cũng đã nêu được những sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng trong xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình đặc biệt là thiếu sự công khai minh bạch trong quy định hàng Việt Nam là như thế nào.

Theo ông Sinh, chính sự thiếu minh bạch này làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm pháp luật hay không. Điều này khiến một số doanh nghiệp gặp phải rủi ro cao. Ông Sinh cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian luận thương mại hay không.

“Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam đang chết ngay trên sân nhà. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?”, đại biểu Sinh đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, do hết thời gian chất vấn ngày 6/11 nên câu hỏi của đại biểu Sinh sẽ được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời trong phiên chất vấn ngày mai, 7/11.

Trước đó, Tư lệnh ngành Công thương cũng nêu hiện trạng các doanh nghiệp đang lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trục lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và các nước khác nhằm tránh bị đánh thuế. Do Việt Nam đang hội nhập đang hội nhập sâu rộng với thế giới nên có những lợi thế lớn khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước có FTA.

Chính những ưu đãi thuế quan và điều kiện ưu đãi trong tiếp cận thị trường chính là lý do khiến hiện tượng giả xuất xứ Việt Nam nổi lên trong thời gian gần đây. Việc Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu cũng khiến tình trạng giả xuất xứ gia tăng ở Việt Nam.

“Ngay khi có thông tin, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra thực tế hoạt động của doanh nghiệp này. Báo cáo cụ thể cũng đã được đưa ra. Sau đó, Chính phủ chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng cũng nêu các mặt hàng có những dấu hiệu để tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, né thuế qua xuất xứ Việt Nam như sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính; các sản phẩm của dệt may da giày và đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm gỗ. Cùng với đó, các biện pháp phòng chống liên ngành đã được triển khai.

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824, phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp với các nước đối tác, trong đó có Mỹ, để ngăn chặn tình trạng giả xuất xứ này.

 

 

Theo Trí thức trẻ