Tin tức BĐS
Đất nền sẽ vẫn là kênh đầu tư hàng đầu
Theo DKRA Việt Nam, do không có nhiều dự án mới mở bán, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường gần đây có xu hướng giảm nhiệt.
Báo cáo của đơn vị này chỉ ra, phân khúc đất nền trong năm 2019 nguồn cung giảm mạnh. Cụ thể, trong năm 2019 có 14 dự án mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 1,704 nền, bằng 46% so với nguồn cung mới của năm 2018 (khoảng 3,736 nền). Đây là năm thứ hai nguồn cung mới sụt giảm và là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 95% (khoảng 1,615 nền), bằng 49% so với năm 2018. Trong đó, các dự án mới đa phần tập trung ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè,… Giá giao dịch thứ cấp trong năm tăng trung bình khoảng 5 – 7% so với năm 2018, chủ yếu ở giai đoạn đầu năm.
“Đất nền vẫn tiếp tục khan hiếm và do không có nhiều dự án mới mở bán và tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường gần đây có xu hướng giảm nhiệt. Nguồn cung mới đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9…”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.
Theo dự báo của đơn vị này, bước sang năm 2020, tình hình thị trường sẽ có nhiều điểm tương đồng năm 2019. Nguồn cung mới không có sự đột biến và không quá dồi dào trong khi sức cầu vẫn cao, đặc biệt ở các phân khúc đất nền, căn hộ. Việc thiếu nghiêm túc khi tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng. Đây sẽ là những thách thức rất lớn cho thị trường bất động sản trong năm 2020.
Để tháo gỡ thách thức, theo DKRA cần có sự chung tay một cách quyết liệt của tất cả các bên, trong đó quan trọng nhất là vai trò điều phối và quản lý của Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành. Cụ thể, thị trường bất động sản 2020 đòi hỏi những đột phá về cải thiện chính sách, pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án,… kịp thời tạo điều kiện cho nguồn cung mới ra thị trường.
Đồng thời, với những sai phạm, cơ quan nhà nước cần giám sát chặt chẽ và xây dựng chế tài nghiêm minh hơn để xử lý, răn đe và ngăn chặn rủi ro. Đối với quy hoạch hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế, xã hội,… cần được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, để thị trường phát triển bền vững cần chương trình nhà ở Quốc gia dài hơi tiếp nối gói vay 30 ngàn tỷ và chính sách nhà ở xã hội đã được triển khai trước đó, nhằm hỗ trợ cho người mua nhà ở thật và hạn chế tình trạng đầu cơ khiến giá bất động sản tiếp tục lên cao.
Theo Tài chính Plus