Tin tức BĐS

Đại dự án nhức nhối nhất Thủ đô, đội vốn 10 ngàn tỷ, 8 lần vỡ tiến độ

 

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn “khủng” lên tới 10 ngàn tỷ đồng và chậm tiến độ, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động; trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bộ GTVT.

 

Đại dự án nhức nhối nhất Thủ đô, đội vốn 10 ngàn tỷ, 8 lần vỡ tiến độ

 

Tại cuộc họp báo chiều 5/7 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet về những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ và đội vốn “khủng”, ông Trần Hải Đông, Trưởng đoàn kiểm toán dự án đường sắt trên cao (chuyên ngành 5 KTNN), cho hay, về vấn đề đội vốn, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu tư 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%).

Nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu tăng cao.

Ngoài ra, trong quá trình lập phê duyệt dự án đầu tư vẫn còn một số tồn tại.

 

Đại dự án nhức nhối nhất Thủ đô, đội vốn 10 ngàn tỷ, 8 lần vỡ tiến độ - Ảnh 1.

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã vận hành thử nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động.

 

Thứ hai, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét về chi phí vận hành vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến việc đánh giá về hiệu quả kinh tế không chính xác. Và thực tế ngay từ ban đầu đã báo lỗ.Thứ nhất, khi dự án tăng vốn thêm hơn 10.000 tỷ đồng, chủ đầu tư chưa báo cáo Chính phủ để xem xét báo cáo xin chủ trương của Quốc hội về vấn đề này, do liên quan đến vấn đề nợ công ;

Thứ ba, tổng mức đầu tư điều chỉnh có một số chi phí thiết bị,  đào tạo hay hạng mục khác cơ sở chưa đầy đủ, KTNN đã đề nghị bổ sung.

Thứ tư, về việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư thì có bổ sung trả nợ gốc của phần vay lại của phần vay bổ sung, khi chưa có quyết định đã tăng thêm 400 tỷ đồng.

Về tiến độ dự án, ông Trần Hải Đông cho hay, ban đầu dự án dự kiến thi công từ 2008 đến 11/2013 là xong, tuy nhiên sau đó khi ký hợp đồng EPC thì thời gian thực hiện trong 48 tháng, tức 4 năm kể từ 2010. Song, từ đó đến giờ vẫn chưa xong, qua rất nhiều lần điều chỉnh đến giờ vẫn chưa đưa vào khai thác sử dụng được.

Theo ông Đông, lý do là bởi đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên cơ quan thẩm quyền mất nhiều thời gian nghiên cứu để ban hành chính sách áp dụng, như xác định chủ đầu tư như thế nào, tiêu chuẩn kỹ thuật , cơ chế tài chính,…

Hơn nữa, quá trình lập dự án đầu tư còn một số tồn tại phát sinh, như thỏa thuận phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án,… và tiến độ bàn giao mặt bằng chậm từ 1-5 tháng.

Ngoài ra, quy định về hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt, dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt,… cũng bị điều chỉnh nhiều lần. Tổng thầu thực hiện dự án được chỉ định trực tiếp từ hiệp định khung giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, chính vì thế tiến độ thực hiện phụ thuộc rất lớn vào vốn, vào tổng thầu,…

Chưa kể, theo quy định của hợp đồng EPC, thiết kế kỹ thuật tổng dự toán phải được hoàn thành nộp chủ đầu tư trong vòng 9 tháng kể từ ngày bắt đầu thực hiện hợp đồng (1/1/2010) tuy nhiên thực tế kéo dài thêm 1 năm rưỡi, tức tháng 6/2011, Bộ GTVT buộc phải cho phép thực hiện thiết kế từng phần. Quá trình này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian thực hiện.

Quá trình chọn nhà thầu cung cấp đoàn tàu cũng chậm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đào Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, cho rằng, trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ dự án Cát Linh – Hà Đông, một trong số đó thuộc về khâu thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán chậm.

“Lỗi từ đó dẫn đến cái sai của Bộ GTVT, khi Bộ này chấp thuận sau đó là xóa quy định, hay ký kết, thống nhất cho phép thiết kế kỹ thuật từng phần theo tiến độ dẫn tới chắp vá, ảnh hưởng đến cả tiến độ chưa kể có thể có rủi ro về chất lượng. Đó là vấn đề tôi cho rằng trong quản lý nhà nước Bộ GTVT cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông Đào Xuân Tiên nhấn mạnh.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng (669,62 triệu USD).

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km, khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Tuy nhiên, sau 8 lần điều chỉnh, vỡ tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.

 

Theo Vietnamnet