Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết dừng dự án này, Chính phủ cho biết đã có nhiều cuộc họp với đối tác Nga – Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Liên bang Nga (Rosatom) với mong muốn giải quyết ổn thoả qua thương lượng.
Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW) vào tháng 11/2016, sau 7 năm thông qua chủ trương đầu tư. Khi dự án dừng, các đối tác Nga, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo gần 450 sinh viên, cán bộ đi học các chuyên ngành liên quan tới điện hạt nhân.
Tuy nhiên, các chi phí của đối tác có thể yêu cầu bồi hoàn nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam. Về dự án trung tâm này, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bộ Khoa học & Công nghệ đang làm việc với tỉnh Đồng Nai về địa điểm xây dựng dự án. Ngoài ra, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã làm thủ tục chấm dứt các hiệp định đã ký giữa Việt Nam và Nga về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong năm 2018.
Chính phủ cho biết, phía Nhật Bản đã nộp bản báo cáo dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (FS) cuối cùng cho chủ đầu tư dù gặp nhiều khó khăn sau sự cố nhà máy điệt hạt nhân Fukushima năm 2011. Phía Nhật cũng khẳng định “không có bất cứ yêu cầu gì với chi phí đã tài trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị dự án điện”. Cùng đó, họ chấp nhận những gì đã diễn ra trong quá khứ và hướng tới tương lai để hợp tác tốt hơn nếu Việt Nam cam kết bảo lưu kết quả lập FS, bảo tồn địa điểm quy hoạch cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Điều này nhằm tránh lãng phí khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân.
Sau thoả thuận này, đầu năm 2019, Ban công tác liên ngành họp lần 2 với phía Nhật Bản và ký biên bản đồng ý chuyển đổi mặt bằng đã được quy hoạch cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm thu hồi khi nhà nước thực hiện dự án quan trọng quốc gia.
Riêng việc thanh toán các hợp đồng tư vấn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thanh toán, thanh lý với các đơn vị tư vấn của Nga tại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tập đoàn này cũng hoàn tất thanh toán, quyết toán chi phí, hợp đồng của các đối tác trong nước khác.
Chính phủ khẳng định “việc dừng dự án điện hạt nhân không ảnh hưởng tới an ninh cung ứng điện, không làm tăng nợ công”.
Về giải pháp thay thế nguồn điện khi dừng dự án này, báo cáo nêu, đến năm 2030 Việt Nam sẽ huy động khoảng 6.000 MW điện than và khí LNG nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600 MW điện hạt nhân. Cùng đó tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào, Campuchia.
“Việc đầu tư các dự án nhiệt điện, than, khí và LNG nhập khẩu sẽ được xã hội hoá hình thức đầu tư vốn thông qua các dự án BOT, BOO… nên không tăng nợ công trong trường hợp đầu tư điện hạt nhân”, báo cáo Chính phủ nêu.
Với tỉnh Ninh Thuận, sau khi dừng dự án điện hạt nhân, Chính phủ chấp thuận loạt chủ trương, hỗ trợ để tỉnh này phát triển. Một trong số đó là phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Bên cạnh đó, để Ninh Thuận đầu tư Dự án Thủy điện tính năng Bắc Ái; Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp.
Khu vực này cũng được ưu tiên xây dựng lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Ninh Thuận tiếp tục được hưởng cơ chế giá ưu đãi phát triển điện mặt trời 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017 đến hết năm 2020, với các dự án điện mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW.
Ngoài ra, Chính phủ đồng ý sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận một số dự án quan trọng, cấp bách, như dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 27; thanh toán vốn đầu tư dự án đường ven biển trị giá 225 tỷ đồng; dự án liên thông hồ chứa nước Tân Giang và Sông Biêu… Ngân sách trung ương bố trí 100% vốn đối ứng cho các dự án ODA phần cấp phát triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.