Tin tức Kinh doanh - Tài chính
Chiến sự Syria căng thẳng, Mỹ lo ‘sơ tán’ 50 quả bom hạt nhân tại căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ đang xem xét kế hoạch “sơ tán” 50 quả bom hạt nhân được cất giữ từ lâu tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Mỹ đang xem xét kế hoạch “sơ tán” 50 quả bom hạt nhân được cất giữ từ lâu tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công quân sự của Ankara vào miền Bắc Syria.
Các vũ khí hiện đang bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “giữ làm con tin”, một quan chức cấp cao nói với tờ New York Times hôm thứ Hai (14/10).
Bom hạt nhân B61 thời chiến tranh lạnh được cho là đang nằm ở vị trí 100-250 dặm (160-402 km) từ biên giới Syria, theo The Guardian. Một cựu quan chức Mỹ cho biết khi được đề xuất việc di chuyển số bom, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói họ sẽ bắt đầu tự phát triển vũ khí riêng của mình.
“Vấn đề được thảo luận trong hơn một thập kỷ. Đến bây giờ, chúng tôi không thể phớt lờ chuyện này được nữa” – vị quan chức nói.
Sự hiện diện của B61 ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ chính sách Chiến tranh Lạnh, theo đó Mỹ chuyển vũ khí hạt nhân cho các đồng minh NATO Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện trách nhiệm tập thể và tinh thần đoàn kết trong việc răn đe hạt nhân của NATO đối với Liên Xô.
Nó cũng truyền tải thông điệp chính trị rằng các quốc gia không cần phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình vì Mỹ luôn có thể cung cấp cho không quân các nước quyền tiếp cận những vũ khí này nếu cần thiết.
Số vũ khí có khả năng bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ với thái độ thù địch hoặc bị tấn công khi diễn biến khu vực ngày càng bất ổn, vì vậy chúng được cho là nên được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Tổng thống Erdogan từng bày tỏ mong muốn tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ. “Vài quốc gia có tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân – không chỉ một hoặc hai đâu. Nhưng họ lại nói tôi không nên có tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Tôi không chấp nhận điều này”.
Mặt khác, mối nguy hiểm không kết thúc ở đó. Vũ khí hạt nhân có thể bị các nhóm chống lại Mỹ tấn công – chỉ 70 dặm (112 km) từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, gây ra thiệt hại chưa lường trước được. Tồi tệ hơn, đối với Mỹ, các vũ khí hạt nhân cũng có thể được sử dụng như những con bài thương lượng để thúc đẩy lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các nguy cơ xung quanh số vũ khí hạt nhân này không nên bị phóng đại.
Ngày nay, Mỹ vẫn duy trì từ 150 đến 200 B61 ở châu Âu, có thể được triển khai bởi các máy bay chiến đấu phản lực Tornado và F-16 Falcon được nâng cấp đặc biệt. Trong tương lai, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ mang phiên bản nâng cấp, dẫn đường của B61.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không còn bất kỳ chiếc F-16 và phi công nào được chứng nhận sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ cũng bị “đá” khỏi chương trình F-35 của Mỹ do mua bán vũ khí với Nga. Cũng không có bất kỳ máy bay phản lực nào của Mỹ có trụ sở tại Incirlik được nâng cấp cho việc trang bị số bom này.
Vì vậy, theo NBC, rất khó có khả năng những quả bom ở Incirlik sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt lớn nào về vật chất liên quan đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mỹ, và trong nhiều năm, Washington bận tâm nhiều hơn đến ý nghĩa tượng trưng của việc rút vũ khí hạt nhân thay vì các rủi ro an ninh khi giữ chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chắc chắn, việc di chuyển số vũ khí hạt nhân đặt ra những thách thức về chi phí cũng như hậu cần và an ninh. Nhưng Mỹ có khả năng và cũng từng làm điều này tại Anh, Đức, Hy Lạp.
Tuy nhiên, những vũ khí đó có thể đi đâu sau khi bị loại khỏi Thổ Nhĩ Kỳ là một câu hỏi hóc búa khác. Trước sự hoài nghi sâu sắc của châu Âu về các ý định của Mỹ tại thời điểm này, chấp nhận việc triển khai hạt nhân dưới thời Tổng thống Trump sẽ khởi động một “cơn bão chính trị” không dễ chịu gì với các thành viên NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trả đũa bằng cách cắt quyền tiếp cận vào Incirlik, nơi có vị trí thuận lợi cho các hoạt động hàng không của Mỹ ở Syria và Trung Đông, dù Mỹ còn những lựa chọn thay thế.