Trước thực trạng, nguy cơ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đầu tư núp bóng để chiếm đất tại nhiều khu vực nhạy cảm ngày càng nhiều, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như: cấm người Việt Nam đứng tên mua đất cho người nước ngoài, tăng cường hậu kiểm DN FDI…
Rà soát an ninh – quốc phòng là bình thường
Trước thực trạng, hàng trăm DN Việt đứng tên cho người nước ngoài núp bóng đầu tư dự án bất động sản tại các vị trí nhạy cảm, các bộ ngành và địa phương trên cả nước có nhiều cách để loại bỏ DN FDI có biểu hiện bất ổn. Đà Nẵng đưa lực lượng công an, bộ đội biên phòng tham gia giám sát dự án FDI núp bóng, có thể vi phạm pháp luật, ảnh hưởng an ninh – quốc phòng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 50 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là rà soát vấn đề an ninh – quốc phòng đối với các dự án FDI, đặc biệt là ở những khu vực, lĩnh vực nhạy cảm.
“Gần đây, tình hình đầu tư FDI có những biểu hiện phức tạp nên cần cơ chế rà soát trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này đảm bảo dự án đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, nhấn mạnh nhiều về môi trường, an ninh trật tự, không gây ảnh hưởng tới văn hóa của Việt Nam”, ông Thắng nói.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng, nên có hiện tượng người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của DN Việt Nam. Việc rà soát an ninh – quốc phòng là điều bình thường. Việc rà soát, cấm cấp phép, thậm chí rút dự án có ảnh hưởng an – ninh quốc phòng được nhiều nước làm, trong đó có Mỹ, các thành viên EU.
“Một loạt công ty công nghệ cũng đang bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước phát triển, vì lo ngại vấn đề an ninh”, ông Thắng cho biết.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đánh giá, ở Việt Nam xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư núp bóng với nhiều hình thức như lẩn tránh thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm an ninh – quốc phòng. Việc Đà Nẵng đưa lực lượng công an, quân đội tham gia giám sát các dự án FDI núp bóng là cần thiết. Nếu việc giám sát quốc phòng, an ninh minh bạch sẽ không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.
“Có nhiều cách để sàng lọc DN FDI núp bóng như xác định tư cách và tài chính của nhà đầu tư trước khi cấp phép dự án. Hiện tại, các công cụ để tiền kiểm rất khó thực hiện. Vì vậy, cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm bằng cách theo dõi các báo cáo của DN FDI, phát hiện phân tích rủi ro trong ngành. Ví dụ, với dự án nguy cơ lẩn tránh thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam có thể thẩm tra quốc tịch nhà đầu tư có phải nước bị đánh thuế chống bán phá giá mặt hàng này hay không?”, luật sư Huỳnh nói.
Cấm đứng tên mua đất cho người nước ngoài
Là đơn vị quản lý về FDI, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát vấn đề đầu tư núp bóng. Tiêu biểu như, cấm cá nhân, tổ chức người Việt đứng tên hộ người ngước ngoài, trong đó có người Trung Quốc trong giao dịch đất đai. Kiểm soát hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Ban hành điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần. Bổ sung các quy định về điều kiện an ninh – quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện.
Trong báo cáo giám sát chuyên đề năm 2019 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư, trong đó có khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư. Ủy ban này cũng đề nghị sửa đổi khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT rà soát các quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ, tiếp tục luật hóa theo cam kết quốc tế, tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam.
“Đã đến lúc Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau cấp phép. Mục đích là đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai đã được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.