Tin tức BĐS

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khởi công quý 1/2020, bất động sản biển Bình Thuận rục rịch đón sóng

 

Đồng Nai, Bình Thuận đang ráo riết chuẩn bị bàn giao mặt bằng, đảm bảo thời gian khởi công cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sớm nhất dự kiến vào Quý 1/2020. Đây là một trong những công trình trọng điểm của cả nước trong năm sau.

 

Đếm ngược thời gian khởi công cao tốc 14.000 tỷ

Tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã nhấn mạnh tính cấp bách của dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết trong vai trò khơi thông cửa ngõ và giải quyết ách tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu. Do đó, dự án sẽ được ưu tiên khởi công trong thời gian sớm nhất theo như dự kiến là cuối quý 1/2020. Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 99km, với tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.000 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 36 tháng.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết kéo Kê Gà gần hơn với TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành

 

Hiện nay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã phối hợp với Đồng Nai tháo gỡ các vướng mắc về di dời hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dây điện đồng thời bố trí riêng cho tỉnh 600 tỷ đồng nguồn vốn giải phóng mặt bằng.

Còn tại Bình Thuận, tiến độ giải phóng mặt bằng có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Theo báo cáo của ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận trong cuộc họp đầu tháng 11 mới đây: Đến nay, công tác kiểm kê hồ sơ các huyện cơ bản đã hoàn thành. Nguồn vốn bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã giải ngân được 890,8 tỷ đồng, đạt trên 66%. Đồng thời, tỉnh đã cho khởi công 4 trong tổng số 5 khu tái định cư, 1 khu tại xã Mương Mán đang hoàn tất thủ tục để sớm triển khai.

 

Bất động sản hưởng lợi rõ nét

Cơ sở hạ tầng vốn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của du lịch và bất động sản trong khu vực. Điển hình từ năm 2015, khi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khánh thành, giá đất Long Thành (Đồng Nai) tăng từ 20 – 40% so với giai đoạn 2012 – 2013, thậm chí có nơi tăng trên 60% cùng với thông tin quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành. Còn Bình Thuận cũng thống kê được mức tăng lượng du khách mỗi năm gần như gấp đôi so với thời điểm trước khi có cao tốc.

 

 

Tiếp tục đón sóng từ quy hoạch cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, Bình Thuận từ cuối năm 2018 đến nay đã đón nhận nguồn vốn đầu tư “khủng” đến từ nhiều dự án tầm cỡ. Cuối tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Thuận 2019, địa phương đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư trên 23.000 tỷ đồng như NovaWorld của Novaland, Thanh Long Bay (Kê Gà) do Tập đoàn Nam Group phát triển, Mũi Né Summerland do Hưng Lộc Phát đầu tư, dự án điện gió Kê Gà (Thang Long Wind),…

Với hệ thống giao thông, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, không chỉ Phan Thiết, Mũi Né tiếp tục tăng trưởng mà những khu vực còn “ngủ quên” như Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Lagi,… cũng được đánh thức.

Đơn cử như Kê Gà, nếu đường đi hiện nay đến khu vực này qua Quốc lộ 1A thì khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hình thành, quãng đường sẽ được rút ngắn đáng kể qua 2 đường nhánh Quốc lộ 55 và Tỉnh lộ 720. Thời gian di chuyển thay vì hơn 3 giờ đồng hồ sẽ chỉ còn khoảng 2 giờ. Thậm chí, nếu xuất phát từ sân bay quốc tế Long Thành, chỉ cần đi theo đường rẽ kết nối vào cao tốc thời gian di chuyển đến Kê Gà rút xuống chỉ còn 1,5 giờ lái xe.

 

 

Theo CafeLand