Tin tức BĐS
Cải tạo chung cư cũ: Dân thấp thỏm, doanh nghiệp lắc đầu
Nhiều chung cư cũ tại khu vực trung tâm TP.HCM đã xuống cấp nghiêm trọng
Với tuổi đời trên 50 năm, chung cư 155-157 Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) là một trong số những chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhất tại khu vực trung tâm. Chung cư này có quy mô 1 trệt, 6 tầng lầu và sân thượng, rộng 6.000m2 với hơn 4.000 m2 sàn xây dựng.
Dù được đánh giá là chung cư hạng D, phải khẩn cấp di dời vì có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng chung cư này hiện vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống. Lý do được cư dân đưa ra là họ không đồng tình với phương án di dời, tạm cư cũng như việc tái định cư khi chung cư được xây mới.
Bà Hòa, một cư dân Bùi Viện, cho biết nếu như di dời thì bà sẵn sàng đi, nhưng đi thì bao giờ về? “Chúng tôi đi thuê nhà cũng phải có một cam kết với chủ nhà. Như vậy, chúng tôi thuê 3 hay 5 năm nếu như sau thời gian đó người ta không cho chúng tôi thuê nữa thì chúng tôi biết đi đâu? Cứ hai ba năm di dời một lần vậy rất tốn kém, vậy ai sẽ thanh toán những khoản này cho chúng tôi?” bà Hòa đặt câu hỏi.
Một cư dân khác cho rằng, thay vì dùng tiền để hỗ trợ người dân di dời, tạm cư thì lấy số tiền đó để cải tạo, sữa chữa tạm thời chung cư. Đến khi nhà nước có tiền, hoặc chủ đầu tư có thể xây dựng trong thời gian 2 -3 năm thì hãy di dời.
“Chúng tôi đã sống, làm ăn ở đây cả mấy chục năm, giờ di dời thì ảnh hưởng đến công ăn việc làm, con cái ăn học. Cách bố trí tái định cư như thế nào cũng là một mối lo, nếu phải dạt ra khu xa trung tâm thì chúng tôi rất thiệt thòi”, cư dân này nói.
Bên trong chung cư Cô Giang quận 1 đã nứt nẻ, hư hỏng nghiêm trọng
Tại cụm chung cư Thanh Đa, hai lô IV và VI đã được di dời từ năm 2016 nhưng đến nay chủ đàu tư vẫn chỉ quây tôn chứ chưa có bất kỳ hoạt động nào thi công xây dựng chung cư mới. Trong khi đó, các lô còn lại cũng được đánh giá xuống cấp cần phải di dời vẫn đang là nơi cư trú của hàng trăm hộ dân.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, 3, 4, 5 và 10.. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư có nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D – cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 thành phố phải giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Bởi trong vòng 10 năm qua, thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, còn việc cải tạo diễn ra rất chậm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hào hứng với các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ. Nhiều ông lớn như Novaland, C.T Group, … từng quan tâm đến những dự án có vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố nhưng đến nay vẫn chưa có một dự án nào được các doanh nghiệp này thực hiện.
Khi còn làm Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn từng nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc di dời cải tạo chung cư cũ là khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại nhiều chung cư cũ, mặc dù phần lớn hộ dân đã đồng ý và di dời nhưng vẫn còn có một số hộ dân không đồng tình. Họ thường đưa ra mức giá bồi thường quá cao. Điều này tạo ra sự bất công bằng với phần lớn hộ dân đã đồng ý di dời trước đó. Mặt khác, chính thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến cho công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều điểm bất hợp lý trong cách tính toán bồi thường, tái định cư giữa chủ đầu tư và các hộ dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở. Theo đó, nhà chung cư có tối thiểu bốn phần năm (4/5, khoảng 80%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua hội nghị nhà chung cư, nhằm giúp cho công tác phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới kết hợp với chỉnh trang đô thị được tiến hành thuận lợi hơn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng cùng một số vốn, đầu tư chung cư cũ không hiệu quả bằng triển khai dự án mới mà còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chi phí đầu tư vào đất không đổi, khâu có thể giải quyết được giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng điều này cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Tăng hệ số sử dụng lên gấp 3-4 lần để doanh nghiệp có lãi khi cải tạo chung cư cũ là không khả thi vì gây áp lực lên hạ tầng.
Theo CafeF