Tin tức Kinh doanh - Tài chính

Cái giá phải trả vì biến đổi khí hậu: Nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ, trẻ em dễ mắc các bệnh hen suyễn và viêm phổi

 

Các nhà khoa học và chuyên gia y tế từ 35 tổ chức học thuật và các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, trẻ em sẽ phải hứng chịu sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng và ô nhiễm không khí nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục tiếp diễn theo quỹ đạo hiện nay.

 

 

Theo một báo cáo mới từ tạp chí y khoa The Lancet, biến đổi khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực cho sức khỏe của trẻ em toàn thế giới, và tác động của nó sẽ gây hại cho toàn bộ thế hệ với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong suốt phần đời còn lại.

Các nhà khoa học và chuyên gia y tế từ 35 tổ chức học thuật và các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, trẻ em sẽ phải hứng chịu sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng và ô nhiễm không khí nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục tiếp diễn theo quỹ đạo hiện nay.

Theo báo cáo, một đứa trẻ được sinh ra hôm nay sẽ trải nghiệm một thế giới nóng hơn tới 4˚C khi chúng tròn 71 tuổi, và với tốc độ ấm lên nhanh chóng như vậy chắc chắn sẽ đe dọa sức khỏe của chúng ở mọi giai đoạn của cuộc đời.

“Trẻ em đặc biệt nhạy cảm trước các rủi ro sức khỏe khi khí hậu biến đổi”, theo Nick Watts, giám đốc điều hành của The Lancet Countdown, một báo cáo thường niên theo dõi các mối liên hệ giữa sức khỏe cộng đồng và biến đổi khí hậu.

“Cơ thể và hệ thống miễn dịch của những đứa trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh và các chất ô nhiễm trong môi trường hơn”, ông nói thêm.

Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức hiện tại, bầu khí quyển sẽ ấm lên 1,5°C trong khoảng 20 năm tới. Theo báo cáo gần đây của hội đồng khoa học U.N về biến đổi khí hậu, sự nóng lên từ khoảng 2°C có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu trong những năm tới.

“Nếu không có động thái ngay lập tức từ tất cả các quốc gia nhằm cắt giảm khí thải nhà kính, sức khỏe và tuổi thọ của con người chắc chắn sẽ suy giảm, và biến đổi khí hậu sẽ định nghĩa lại sức khỏe của cả một thế hệ”, theo ông Watts.

Trẻ em dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm trầm trọng hơn do nhiệt độ tăng và thay đổi lượng mưa, theo báo cáo cho biết. Ví dụ, biến đổi khí hậu đang gây ra sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh do muỗi truyền. 9 trong số 10 năm đỉnh điểm của căn bệnh này đã xảy ra từ năm 2000.

Hơn nữa, trẻ em sẽ phải hít thở không khí ngày càng độc hại hơn trong suốt cuộc đời, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ giảm chức năng phổi, hen suyễn nặng hơn và tăng nguy cơ đau tim. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng khoảng 7 triệu người chết mỗi năm do tiếp xúc với các hạt trong không khí ô nhiễm.

Theo báo cáo, các trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời đạt 2,9 triệu trên toàn thế giới vào năm 2016. Hơn 440.000 ca tử vong đó là do khí thải than.

“Trong năm nay, các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết”, theo ông Hugh Montgomery, giám đốc Viện Sức khỏe và Hiệu suất Con người tại Đại học College London và là đồng chủ tịch của báo cáo.

Biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm rộng rãi khi các sự kiện thời tiết cực đoan và xảy ra thường xuyên được kích thích bởi nhiệt độ tăng xảy ra trên toàn cầu.

Chỉ trong vài tháng qua, một đợt nắng nóng đã thiêu rụi châu Âu, sau đó di chuyển đến Greenland và gây ra băng tan kỷ lục ở đó; những vụ cháy kỷ lục hủy diệt khu rừng nhiệt đới Amazon, một phần của California, Nga và Bắc Cực; và cơn bão Dorian khi tràn tới quần đảo Bahamas và giết chết ít nhất 65 người.

Sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng như thế nào từ biến đổi khí hậu? - Ảnh 1.

Một người đàn ông và một đứa trẻ đeo mặt nạ thở trên một chiếc xe điện trong làn khói bụi bẩn vào ngày 14 tháng 11 năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Khoảng 77% các quốc gia trên thế giới đã trải qua sự gia tăng các vụ cháy rừng từ năm 2001 đến 2014 và từ 2015 đến 2018, báo cáo cho biết.

Nhiệt độ cao nhất đã được ghi nhận ở Tây Âu và cháy rừng ở Siberia, Queensland và California đã gây ra hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp và say nắng. Mực nước biển hiện đang tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Những thảm họa thời tiết cực đoan này sẽ tiếp tục diễn biến xấu hơn trên toàn thế giới, từ đó dẫn đến tình trạng di dân, bệnh tật và tử vong. Các nước thu nhập thấp sẽ là những nơi chịu tác động lớn nhất, vì gần như tất cả các thiệt hại kinh tế từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đều không được bảo hiểm.

Sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng như thế nào từ biến đổi khí hậu? - Ảnh 2.

Người dân Trung Quốc đeo mặt nạ để bảo vệ khi khói thuốc từ một nhà máy nhiệt điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Báo cáo Lancet kêu gọi hành động nhanh chóng để hạn chế biến đổi khí hậu và chuẩn bị các hệ thống y tế toàn cầu cho những thách thức to lớn phía trước.

Nếu sự nóng lên toàn cầu bị giới hạn ở mức dưới 2˚C – mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris, thì một đứa trẻ được sinh ra ngày nay có thể trải nghiệm một thế giới sẽ đạt mức phát thải bằng 0 trong khoảng 30 năm, các tác giả cho biết.

Các quốc gia đã trì hoãn việc giảm thiểu khí thải nhà kính trong một thời gian dài đến mức sự nóng lên 1,5˚C là không thể tránh khỏi. Phát thải nhà kính toàn cầu sẽ cần phải cắt giảm một nửa sau 12 năm và đạt mức 0% vào năm 2050 để nhiệt độ duy trì ở mức ấm lên 1,5˚C.

Nhưng sẽ cần một khoảng thời gian dài để đạt được những mục tiêu đó. Theo báo cáo, tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp từ than trong giai đoạn 2016-2018 tăng 1,7%. Trợ cấp tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu cũng tăng 50% trong 3 năm qua, đạt mức cao nhất gần 430 tỷ USD vào năm ngoái.

“Những đứa trẻ của chúng ta nhận ra tình trạng khẩn cấp của khí hậu và yêu cầu phải có các hành động cần thiết để bảo vệ chúng”, ông Montgomery cho biết. “Chúng ta phải lắng nghe, và hồi đáp”.

 

 

Tham khảo CNBC