Cẩm nang nghề nghiệp

Cách xử trí 5 câu hỏi khó từ sếp

 

Tìm được việc làm không đồng nghĩa với việc những câu hỏi phỏng vấn hóc búa đã kết thúc. Trong suốt quá trình làm việc, sếp bạn có thể sẽ hỏi những câu “khó đỡ” hơn và bạn phải biết cách trả lời để không làm mối quan hệ giữa bạn và sếp xấu đi.

 

Câu hỏi 1: Em đang tìm việc mới đúng không?

Sếp có lý do để hỏi câu này, nên nếu bạn nói “Không” thì gần như là bạn đang nói dối. Bạn nên trả lời xoay quanh bản thân mình mà vẫn tập trung vào trọng tâm sếp đã hỏi:

– Em đang suy nghĩ có thể sẽ chuyển sang ngành nghề khác.

– Em đang tìm kiếm cơ hội ở một thành phố khác .

– Một đồng nghiệp cũ có giới thiệu cho em một cơ hội nghề nghiệp, nên em cũng đang cân nhắc ạ.

 

Câu hỏi 2: Gần đây em có biết gì về anh/chị/bạn đồng nghiệp X không?

Đồng nghiệp cùng cấp bậc có thể tán gẫu với nhau, nhưng nếu sếp quan tâm đến những chuyện phiếm này thì thật nguy hiểm. Tốt nhất là bạn nên trả lời “Em không biết” và sau đó chuyển đề tài hoặc ngừng cuộc nói chuyện. Sếp thấy bạn không quan tâm đến những việc của người khác sẽ không hỏi thêm nữa.

 

Câu hỏi 3: Em có thể nhận dự án này (vì không ai muốn nhận) hay không?

Nhiều người sẽ đồng ý nhận để giữ mối quan hệ tốt với sếp. Tuy nhiên bạn cũng cần làm rõ dự án này sẽ ảnh hưởng đến khối lượng công việc hiện tại thế nào và dự án này có nằm trong những công việc bạn phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký với công ty hay không.

Nếu bạn muốn từ chối, hãy nói với sếp bạn không có khả năng vừa làm tốt dự án này và vừa giải quyết khối lượng công việc hiện tại kịp tiến độ. Còn nếu bạn thấy dự án này sẽ giúp bạn ghi điểm với sếp và nâng cao kỹ năng lãnh đạo của bạn thì dự án này hoàn toàn xứng đáng để bạn thể hiện năng lực của mình.

 

Câu hỏi 4: Em thấy mình làm việc thế nào trong quý vừa rồi?

Bạn phải bình tĩnh khi trả lời câu hỏi này. Bạn có thể bắt đầu bằng việc liệt kê ra những việc bạn đã làm tốt và kết quả đạt được như vượt chỉ tiêu hoặc hoàn thành trong thời gian gấp rút. Sau đó đề ra những giải pháp để bạn có thể làm tốt hơn lần sau. Hãy thể hiện bạn là người có tinh thần cầu tiến bằng cách hỏi ngược lại sếp về đánh giá của sếp dành cho bạn và xin thêm lời khuyên từ sếp.

 

Câu hỏi 5: Em đánh giá thế nào về tôi trong vai trò là sếp trực tiếp của em?

Câu hỏi này cũng khó vì bạn không biết tại sao sếp hỏi câu này, có thể là do cấp trên yêu cầu, hoặc cũng có thể là sếp thực lòng muốn hỏi phản hồi từ bạn. Cũng có thể sếp chỉ hỏi để bạn khen sếp, và vì vậy nếu bạn chỉ trích sếp thì có thể làm hỏng mối quan hệ.

Để an toàn thì bạn nên chọn lọc những điểm tích cực để nói. Có những điều không nên nói với sếp nhưng nếu sếp khăng khăng hỏi về điểm yếu của sếp thì bạn không cần phải liệt kê tất tần tật ra, mà có thể nêu ra một khía cạnh nào đó liên quan đến cách sếp quản lý nhân viên. Bạn có thể nói rằng “Những dự án sắp tới em sẽ cần anh/chị hướng dẫn thêm để em ít mắc lỗi hơn ạ.”

 

Nguồn: tham khảo