Văn hóa nội bộ

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

 

Giỗ tổ Hùng Vương -Tôn vinh giá trị truyền thống

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng.Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba:

Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.

Giỗ Tổ Hùng Vương  – Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

 

Vua Hùng trong tâm thức Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn luôn tâm niệm về cội nguồn dân tộc. Người thường nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, giữ gìn giang sơn gấm vóc, phấn đấu đưa nước ta sánh ngang với các cường quốc năm châu!

Cách đây hơn 1 thế kỷ, triều Nguyễn đã chính thức lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày 18/2/1946, hơn 5 tháng sau ngày đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tổ tiên.Năm 2007, Bộ luật Lao động của nước Việt Nam được sửa đổi, chính thức cho phép người lao động được nghỉ ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch. Và đặc biệt, năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó, đến nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng mang một ý nghĩa to lớn.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Giếng ngày 19/9/1954

 

Ngày 18/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Lời Bác dạy không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân. Ngày nay, càng suy ngẫm lời Bác, chúng ta càng thấm thía tâm huyết của Người đối với đất nước và dân tộc, càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của vị lãnh tụ thiên tài!

Bác Hồ khẳng định và tôn vinh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”. “Công dựng nước” của các Vua Hùng thật là to lớn! Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta luôn luôn phải đấu tranh chống những tên giặc ngoại xâm vô cùng hung hãn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, và có tinh thần độc lập, tự chủ. Vì thế, dân ta đã làm nên biết bao chiến công oai hùng, dựng nên đất nước, khẳng định chủ quyền và bồi đắp bản sắc dân tộc.

Không chỉ là cuộc hội tụ đông đủ, việc con cháu tề tựu về với tổ tiên biểu thị tinh thần cộng đồng, tự hào, tự tôn dân tộc, mãi mãi ghi tạc công lao các Vua Hùng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn mang một ý nghĩa to lớn trong thời đại mới. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, trách nhiệm hơn với lời dạy của tiền nhân, phát huy nguồn lực, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Nguồn: Tổng hợp