Ông Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội kéo dài từ ngày 6-8/11. 77 đại biểu đã đăng ký chất vấn trong chiều 6/11 và không ít câu hỏi cho người đứng đầu ngành công thương liên quan vấn đề phát triển điện mặt trời.
‘Vỡ’ quy hoạch điện mặt trời
Hiện 121 dự án điện mặt trời được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi: “Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ và công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu”.
Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn chiều 6/11
Tuy nhiên, theo ông, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng này ở Việt Nam.Sau đó, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã “không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời”.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất. Giải trình việc này, ông Tuấn Anh nói: “Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019”. Ông cũng giải thích thêm, khi xây dựng các cơ chế là để tạo ra môi trường thí điểm cho điện mặt trời và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.
Ông giải thích, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án. “Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất”, ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. Song ông tin, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi nhiều tập đoàn đề xuất đầu tư và có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV.
“Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hoá đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyền của nhà nước. Có thể sẽ áp dụng hình thức BT trong đầu tư hệ thống chuyển tải điện”, ông nói.
Mức giá 9,35 cent một kWh trong 20 năm theo đại biểu Hà là khá cao nên bà đề nghị làm rõ giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả sản xuất khi phát triển nguồn năng lượng này. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. “Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể”, ông chia sẻ. Và thực tế tới 30/6 – khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019.
Nguy cơ thiếu điện
Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận các giải pháp sẽ giúp đủ điện đến năm 2020 và từ 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, đặc biệt ở Tây Nam Bộ.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) lo lắng trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu nên đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cho biết giải pháp để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, trả lời sau đó, đại diện Bộ Công Thương dành thời gian nói về nguy cơ thiếu điện cao và nguyên nhân trước, thay vì đi thẳng vào giải pháp.
Ông nói, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019- 2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.
Ngoài ra, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.
Về phương án đảm bảo cân đối điện, ông nói sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW.
Bộ cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan đảm bảo cung ứng điện cho miền Tây, Đông Nam Bộ. Nhà điều hành cũng tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số nhà máy điện, như Điện Hiệp Phước chuyển từ chạy dầu sang dùng khí LNG nhập khẩu, thì sẽ có thêm công suất 400 MW. “Khai thác hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên thì sẽ đủ điện trong 2019-2020”, ông nói.
Về dài hạn phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng, trong đó tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII 8 trung tâm điện khí lớn vì Việt Nam hiện không còn khả năng phát triển điện than.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nêu thực trạng dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi triển khai chậm. Tại phiên chất vấn kỳ 3, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu yêu cầu Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện đề án này nhưng đến nay vẫn không đúng tiến độ. Trả lời sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn vì đã có cơ hội thay mặt Chính phủ báo cáo về sự chậm trễ này.Chậm đưa điện về nông thôn
Ông cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cung ứng vốn từ ngân sách, EVN, địa phương và quốc tế. Trong đó nguồn vốn lớn nhất là từ WB và Liên minh châu Âu với quy mô 24.000 tỷ đồng. Nhưng cuối năm 2017, đầu 2018, trần nợ công lên tới mức giới hạn, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát tất cả chương trình sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa quốc gia. Do đó, nguồn vay từ WB và một số từ Liên minh châu Âu không được bố trí.
Đến nay, xét về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu dự án, theo ông Tuấn Anh, chỉ hơn 10% nội dung đầu tư được thực hiện, khoảng 18,5% nguồn vốn được giải ngân. Hiện nợ công được kiểm soát, ông Tuấn Anh cho rằng có cơ sở để làm việc tiếp với WB, Liên minh châu Âu để sẵn sàng nguồn hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, ông cho biết không kịp hoàn thành tiến độ 2020 nên đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng các nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để làm dự án trong giai đoạn 2021-2025.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Cùng giải trình với ông Trần Tuấn Anh về những vấn đề liên quan là các trưởng ngành Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & Công nghệ, Thông tin & truyền thông, Công an, Thanh tra Chính phủ.