Tin tức BĐS

Bộ KH&ĐT: Tránh tình trạnh “vay mượn” quy định trong đầu tư PPP

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng.

 

Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây bàn về Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật PPP, ông Dũng cho biết, hiện quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật bảo vệ môi trường, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng…

Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP, theo ông Dũng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn. Các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại Phiên họp

 

Theo ông Dũng, dự thảo luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và thống nhất quan điểm: một vấn đề, một nội dung chỉ nên được quy định tại một luật. Luật ban hành sau không nên “lấn sân” sang luật chuyên ngành.

Đối với nội dung này, nhằm đảm bảo tính đặc thù cho dự án PPP mà không phá vỡ tính chỉnh thể, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét lại quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện cũng đang được thảo luận để sửa đổi.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tuy nhiên, Uỷ ban kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua vào dự án luật, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch của luật được ban hành.

Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật theo quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gắn với việc phân loại dự án, phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP, tạo điều kiện cho việc triển khai dự án một cách hiệu quả, có tính khả thi và bảo đảm lợi ích của các bên.

 

Bộ KH&ĐT: Tránh tình trạnh “vay mượn” quy định trong đầu tư PPP

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

 

Về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, theo ông Thanh, cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.

Về nguồn vốn thực hiện dự án PPP, Ủy ban Kinh tế yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo luật hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng thủ tục đầu tư thông thường. Tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự thảo luật, tránh tình trạng quy định chung chung như “theo quy định của pháp luật” gây khó khăn trong thực tế triển khai; rà soát, không quy định lại những nội dung đã được quy định tại các luật khác, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một luật khó, khi xây dựng cần cân nhắc, thận trọng. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự án Luật PPP, đồng thời giao Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra chính thức, đảm bảo dự án luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận.

 

 

Theo CafeLand