Cẩm nang nghề nghiệp
Bí quyết tìm việc khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm
Nhiều người gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình xin việc chỉ vì CV quá ngắn do thiếu kinh nghiệm hoặc không đủ thời gian tích lũy mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Đừng vội chán nản vì những chia sẻ dưới đây có thể giúp bạn tự tin hơn trong quá trình ứng tuyển.
Tất cả mọi người đều đi lên từ con số không và bạn cũng vậy, chúng ta đều cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Ngoài những kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực đã được đào tạo, mỗi ứng viên cần chú tâm rèn luyện thái độ chuyên nghiệp và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Nếu có đủ sự cố gắng và tự tin, chúng ta sẽ dễ dàng chinh phục được nhà tuyển dụng.
1. Tìm môi trường để học hỏi
Chấp nhận xuất phát điểm và không ngừng cố gắng là thái độ đúng đắn của người mới bắt đầu sự nghiệp. Bạn có thể bắt đầu bằng việc trải nghiệm ở các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm, hiện nay có khá nhiều đơn vị tuyển dụng với yêu cầu trên. Kế hoạch này không chỉ giúp bạn nâng cao chuyên môn mà đây còn là cơ hội học hỏi từ những người đi trước.
Một danh sách các kỹ năng đáp ứng cho công việc trong tương lai như kỹ năng giao tiếp, thành thạo phần mềm văn phòng, khả năng quản lý,… là điều không thể thiếu cho người học việc, hãy lưu lại nó để trau dồi dần dần. Quan trọng, chúng ta cần cho nhà tuyển dụng cảm nhận được bạn luôn sẵn sàng cống hiến, tìm hiểu và rất mong được hướng dẫn, góp ý để tiến bộ hơn.
Trong thời gian trải nghiệm, hãy cố gắng chứng minh bạn có thể hoàn thành mọi công việc được giao. Ngoài ra, ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm cũng có thể bắt đầu với các vị trí thực tập sinh hoặc tình nguyện không lương.
2. Cân nhắc giữa khả năng và mô tả công việc
Để ứng tuyển vào một vị trí, ứng viên cần thể hiện khả năng và mức độ phù hợp với công việc. Lúc này, bạn cần thực sự công tâm đánh giá năng lực bản thân và đối chiếu với thông tin đăng tuyển của nhà tuyển dụng.
Nếu cảm thấy mình hoàn toàn là người mà họ đang tìm kiếm, hãy tự tin nộp đơn và thể hiện tất cả điểm mạnh của mình. Đừng quên làm bản thân trở nên ưu tú hơn những người khác từ phong thái đến kỹ năng, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến. Thái độ tốt và tích cực sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm và ấn tượng với người phỏng vấn.
3. Chăm chỉ mở rộng quan hệ
Trong xã hội ngày nay, người càng quen biết nhiều, càng có nhiều cơ hội. Vì vậy, những người mới đi làm cần biết chăm sóc cho các mối quan hệ hiện có và mở rộng mạng lưới bằng cách tham gia các hội nhóm, tổ chức…Ngoài ra các cuộc hẹn ăn trưa hay cà phê cũng là phương thức hay giúp bạn gắn kết với mọi người. Đôi khi chính những người quen biết sẽ mang đến cho bạn việc làm trong mơ.
4. Không ngừng trau dồi kiến thức
Bạn sẽ cần học hỏi nhiều hơn nữa để “nâng cấp” bản thân thông qua việc tham gia các khóa học chuyên sâu về ngành nghề mình yêu thích hoặc các lớp kỹ năng cần thiết. Việc tiếp thu kiến thức này cũng có thể thông qua những người quen trong lĩnh vực của bạn hoặc đọc thêm sách.
Đừng ngại ngần khi chưa có kinh nghiệm, hãy không ngừng tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân để tự tin hơn trong quá trình tìm việc, bạn nhé!
Nguồn: Tổng hợp