Tin tức BĐS
Bất động sản và kỳ vọng thành phố sân bay
Dù chưa biết “mặt mũi” sân bay quốc tế Long Thành sẽ ra sao, nhưng kể từ khi những thông tin về dự án này xuất hiện đã có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản quanh khu vực.
Tại các huyện của tỉnh Đồng Nai như Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom, thị trường nhà đất liên tục trải qua nhiều đợt sốt nóng những năm gần đây. Những khái niệm như sân bay quốc tế, đô thị sân bay, thành phố sân bay… xuất hiện nhan nhản trong các chương trình quảng bá, giới thiệu của nhiều chủ đầu tư có dự án bất động sản tại Đồng Nai. Thậm chí trên nhiều tuyến đường, những thông tin về “thành phố sân bay” cũng được trưng bày trên cột điện, cây xanh nhằm thu hút người mua nhà đất.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực như nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đổ về đây để phát triển các dự án quy mô, xây dựng bài bản với tầm nhìn dài hạn để đón đầu thì cũng có hàng loạt hệ luỵ từ việc đầu tư nhà đất ăn theo thông tin sân bay. Rất nhiều dự án ma, dự án không đủ điều kiện phân lô bán nền… xuất hiện không chỉ gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị mà còn kéo theo hàng nghìn người vào cảnh đứng ngồi không yên.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng sân bay quốc tế Long Thành sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Đồng Nai và khu vực lân cận. Tuy nhiên, tác động này chỉ thực sự hiệu quả khi nó được xây dựng một cách đúng hướng, đúng với những khái niệm mới, xu hướng thành phố sân bay hiện nay trên thế giới.
Theo ông Đông, nếu như ở thế kỷ 20 sân bay được coi là trung tâm vận tải với vai trò thiết yếu giúp các doanh nghiệp đề cao giá trị thời gian, đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và du lịch, thì nay sân bay chính là chìa khóa để phát triển kinh tế, giúp kết nối toàn cầu tốc độ cao.
Sân bay ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Theo một nghiên cứu của Oxford Economics trên hơn 80 quốc gia, năm 2010, ngành hàng không đóng góp 22 triệu việc làm và 1,4 nghìn tỉ USD GDP.
Ví dụ, tại Dubai (UAE) vào năm 2010 thì 24% giá trị của nền kinh tế thành phố này phụ thuộc vào ngành hàng không và dự đoán sẽ tăng lên 32% trong năm 2020.
“Đồng Nai cần quy hoạch lại để phát triển đô thị sân bay. Lúc đó, sân bay Quốc tế Long Thành sẽ phát huy được hiệu quả, sẽ là trung tâm hội nghị quốc tế, thu hút đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nguồn lao động dồi dào, lực lượng chuyên gia quốc tế nên có nhu cầu rất lớn về chỗ ở, nghỉ dưỡng. Đó chính là cơ hội, tiền đề giúp bất động sản Đồng Nai phát triển”, ông Đông nói.
Khái niệm thành phố sân bay Long Thành từng được ông Lại Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị được Bộ GTVT đề xuất làm chủ đầu tư dự án này, cho biết ngoài hệ thống nhà ga, khu bay với mục tiêu là sân bay trung chuyển lớn của khu vực, sân bay Long Thành được quy hoạch đủ diện tích đất 5.000 ha để phát triển thành một thành phố sân bay hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ. Đây sẽ là khu mở để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư.
Theo ông Thành, thành phố sân bay lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông thuận tiện như một đô thị.
Quốc hội không bảo lãnh vốn Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Cụ thể, trong giai đoạn này sân bay Long Thành sẽ gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Chính phủ sẽ lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dù trước đó Bộ GTVT từng kiến nghị giao cho Tổng Công ty hãng hàng không Việt Nam (AVC). Trong đó, vốn cho giai đoạn 1 chỉ sử dụng vốn của nhà đầu tư, Chính phủ không bảo lãnh vốn. Quốc hội cũng thông qua đề xuất bổ sung hai tuyến đường kết nối sân bay, với tuyến số 1 nối với Quốc lộ 51 và tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F. sân bay Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Trong đó, giai đoạn I (hoàn thành năm 2025), sân bay sẽ khai thác đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ… |
Theo CafeLand