Tin tức BĐS

Bài học quý giá cho người mua đất nền qua vụ án Địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Trong suốt ba tháng gần đây tin tức liên quan đến hoạt động lập dự án, bán đất nền trái phép của Công ty Alibaba bùng nổ và được xã hội đặc biệt quan tâm.

 

Đến ngày 18/09/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM có lệnh bắt ông Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT và em trai Nguyễn Thái Lĩnh – Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và khởi tố với tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015.

Sau khi Công an khám xét trụ sở, thu giữ tài liệu, tài sản và phong tỏa tài khoản để phục vụ công tác điều tra, cho thấy đây là vụ án lớn chưa từng xảy ra. Số người bị hại (khách hàng) bước đầu xác định là 6.700 người. Tài sản chiếm đoạt của khách hàng lên tới 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án.

Việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án này là rất phức tạp và có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Để bảo vệ quyền lợi của mình lúc này những người đã hợp tác kinh doanh với Alibaba và khách hàng mua đất nền cần tới trình báo ngay với Phòng cảnh sát điều tra PC03 – Công an Tp.HCM tại địa chỉ số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, Tp.HCM. Đồng thời với việc trình báo cần cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan như: hợp đồng mua bán, thỏa thuận hợp tác, chứng từ nộp tiền cho Alibaba.

 

Bài học quý giá cho người mua đất nền qua vụ án Địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Ths. Luật sư Đỗ Đăng Khoa – Giám đốc Công ty Luật Bất Động Sản Hưng Vượng chỉ ra ba điểm mấu chốt khách hàng phải đặc biệt phải quan tâm khi mua bán đất nền sau vụ án Alibaba

Trong nhiều năm qua trong phân khúc thị trường bất động sản đất nền, không chỉ có Alibaba mà còn nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác thực hiện. Tình trạng chủ đầu tư vi phạm pháp luật trong triển khai dự án, không bàn giao đất nền, chiếm đoạt tiền của khách hàng xảy ra khá nhiều. Vậy nên vụ án Alibaba không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các chủ đầu tư làm ăn trái pháp luật mà còn là bài học lớn cho những người mua đất nền tránh bị mắc lừa.

Sau đây là ba điểm mấu chốt khách hàng phải đặc biệt phải quan tâm khi mua bán đất nền, đó là:

 

Thứ nhất, tìm hiểu pháp lý của dự án

Đất đai là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu quốc gia nên việc đặt cọc, chuyển nhượng đất luôn đi kèm các điều kiện. Nếu vi phạm các điều kiện trong chuyển nhượng thì không được nhà nước công nhận và bảo vệ.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ pháp lý quan trọng nhất cần phải xem xét thông tin về: vị trí, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch. Ví dụ: trong vụ án Alibaba đa số pháp lý loại đất là đất nông nghiệp (trồng cây hàng năm hoặc trồng cây lâu năm). Vậy mà Alibaba chào bán là đất nền (đất ở) là trái luật.

Bài học quý giá cho người mua đất nền qua vụ án Địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 2.

Khách hàng phải tìm hiểu pháp lý dự án cho thật kỹ càng trước khi “xuống tiền”

Việc triển khai dự án bất động sản phải có văn bản chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền. Khách hàng cần phải kiểm tra các văn bản này để đánh giá tính hợp pháp của dự án. Ví dụ Alibaba đã xây dựng hạ tầng (đường, điện) để phân lô đất nền tại xã Tóc Tiên, Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu trên đất nông nghiệp và không có giấy phép. Khi chính quyền địa phương thi hành cưỡng chế công trình vi phạm thì khách hàng mới vỡ lẽ ra là Alibaba xây dựng trái phép, lúc này biết đã muộn.

Tùy từng dự án mà khách hàng phải xem các văn bản sau: Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500; Quyết định giao đất; Giấy phép xây dựng; Văn bản xác nhận đủ điều kiện chào bán bất động sản.

 

Thứ hai, đọc kỹ nội dung hợp đồng trước khi nộp tiền

Có nhiều loại (tên gọi) hợp đồng trong mua bán đất nền, ví dụ như: Hợp đồng đặt cọc; Hợp đồng nguyên tắc; Hợp đồng hợp tác đầu tư; Hợp đồng hứa mua hứa bán. Rất nhiều khách hàng chỉ nghe nhân viên tư vấn đất nền về: diện tích, giá cả và tiến độ thanh toán là đã đồng ý nộp tiền đặt cọc hoặc thanh toán đợt 1 mà không hề xem trước hợp đồng. Khi có chuyện xảy ra không như lời chào bán ban đầu mới dở hợp đồng ra xem thì than ôi, “toàn quy định bất lợi cho khách hàng”!

Bài học quý giá cho người mua đất nền qua vụ án Địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 3.

Số người bị hại (khách hàng) bước đầu xác định là 6.700 người. Tài sản chiếm đoạt của khách hàng lên tới 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án

Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng được pháp luật quy định rất chặt chẽ về chủ thể tham gia ký kết và các điều kiện khác. Khi các bên ký kết hợp đồng không đảm bảo các điều kiện thì hợp đồng đó có tranh chấp sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu, không có giá trị thực hiện. Ví dụ: trong án Alibaba sẽ có rất nhiều hợp đồng mua bán đất nền vi phạm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

 

Thứ ba, đánh giá uy tín của Chủ đầu tư

Tục ngữ có câu: “Chọn mặt gửi vàng”, giao dịch mua bán đất nền thường có giá trị tiền tỷ. Lựa chọn sai chủ đầu tư giống như: “giao trứng cho ác”. Nếu ai tìm hiểu uy tín của Alibaba từ trước thì chắc chắn sẽ không bị sập bẫy. Chỉ cần hỏi google là hàng loạt tin bài cho thấy Alibaba đã chào bán dự án khống tại Củ Chi, Tp.HCM từ năm 2017. Gần đây vào tháng 6/2019 đã bùng nổ tin bài về vụ hai nhân viên của Alibaba gây rối trật tự công cộng, đập phá xe ủi cản phá lực lượng cán bộ cưỡng chế việc xây dựng dự án trái phép tại thị xã Phú Mỹ. Alibaba với những hành động mất uy tín như thế thì làm sao có thể giao tiền? Rất nhiều người đã bỏ qua điều này và giờ đây mất tiền.

Uy tín chủ đầu tư cần được thể hiện qua các dự án họ đã thực hiện, qua cách ứng xử của họ với khách hàng với cộng đồng và đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật.

Bạn mua đất nền khi đã tìm hiểu dự án có đủ pháp lý, đọc kỹ nội dung hợp đồng và thấy chủ đầu tư có uy tín thì chắc chắn giao dịch thành công. Ngược lại không quan tâm đầy đủ ba yếu tố này thì thất bại cũng là lẽ thường. Nếu bạn không đủ kiến thức và kinh nghiệm thì nên nhờ các chuyên gia, luật sư tư vấn khi giao dịch nhà đất. Đó cũng là bí quyết thành công của những nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng trên thế giới.

 

 

Theo Trí thức trẻ