Cẩm nang nghề nghiệp

5 năm nhảy việc 4 lần nhưng tôi không hối hận vì gặt hái được những lợi ích to lớn này, nếu không ngại bị “bàn ra tán vào” thì bạn cũng nên thử

 

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, nhảy việc quá nhiều lần sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với con đường sự nghiệp của mỗi người. Ngay cả Jack Ma cũng từng nói “người nhảy việc liên tục cũng giống như một người kết hôn rồi lại ly hôn, ly hôn rồi lại kết hôn, rất không đáng tin cậy”. Tuy nhiên, nếu bạn biết nhảy việc ở một chừng mực vừa phải thì sẽ được lợi đủ đường.

 

Trong vài năm đầu khi mới phát triển sự nghiệp, tôi đã nghe gần như mọi lời khuyên về việc nhảy việc: “Nếu bạn làm công việc nào đó dưới 1 năm thì đừng liệt kê nào vào CV của mình. Hãy làm cho một công ty ít nhất là 2 năm. Đừng chuyển ngành hoặc là bạn sẽ không bao giờ có thể phát triển được”.

Tuy nhiên, tôi xin nói với các bạn rằng không một câu nào trong số đó là sự thực cả. Tôi đã làm qua 4 công việc trong vòng 5 năm và nhận ra nhiều lời khuyên về nhảy việc không đúng, đặc biệt là nhận định người lao động trong độ tuổi từ 25 đến 34 dành trung bình 2,8 năm cho một công việc. 55% các nhà tuyển dụng cũng cho hay rằng họ không có bất cứ vấn đề hay khúc mắc nào khi tuyển các ứng viên thay đổi việc thường xuyên.

Đó là bởi việc đảm nhận những vị trí mới sẽ giúp bạn chuyên nghiệp hơn, hiểu rõ hơn về chính mình, xây dựng sự tự tin và có những bước tiến dài trong sự nghiệp. Vì thế, thay vì ngồi lo lắng xem việc nhảy việc sẽ khiến bản CV của mình trông ra sao, tôi khuyến khích bạn nên thoải mái đón nhận những cơ hội mới đến với mình. Nếu làm được việc đó, bạn sẽ trở nên vui vẻ và làm việc hiệu quả hơn nhiều.

Sau đây, tôi sẽ nói rõ với bạn lý do tại sao nhảy việc lại là yếu tố thúc đẩy mà không phải là điều khiến sự nghiệp của bạn thụt lùi.

 

1. Nhảy việc buộc bạn phải ra khỏi vùng an toàn

Khi cảm thấy quá thoải mái ở một vị trí công việc nào đó thì bạn sẽ ngừng học hỏi. Thời điểm mà bạn đã biết hết mọi thứ, làm qua hết những việc khó nhằn cũng là lúc bạn chỉ đơn giản đang làm việc như một cỗ máy. Nói cách khác, công việc quá dễ dàng tới mức làm cho sự sáng tạo của bạn bắt đầu ngưng trệ.

Việc đó xảy đến như một dấu hiệu cho thấy bạn cần có sự thay đổi trong công việc, hoặc làm một công việc mới, hoặc đơn giản là nhận các nhiệm vụ mới dù vẫn làm công việc hiện tại.

Bạn chọn cách nào cũng được, miễn là bạn buộc bản thân chịu đựng một chút không thoải mái và làm việc gì đó nằm ngoài tầm hiểu biết của mình. Hãy làm bất cứ điều gì để khiến mình bắt đầu học tập và thúc đẩy bản thân một lần nữa.

Đối với tôi, nhảy việc đã đẩy tôi ra khỏi vùng an toàn và dạy tôi làm sao để thành công ở nhiều vị trí và ngành nghề khác nhau. Càng đổi việc nhiều, tôi lại càng tự tin và khéo hiểu nhu cầu của khách hàng hơn, đồng thời, tôi cũng nghĩ ra được những chiến lược mới và nắm thế chủ động để lên tiếng và tạo nên nhiều thay đổi.

 

2. Trải nghiệm nhiều môi trường làm việc khác nhau giúp bạn biết được mình cần những kiến thức, kỹ năng gì để phát triển 

Nhảy việc cũng sẽ giúp bạn tìm ra điều gì đang thúc đẩy và truyền động lực cho bạn. Tôi khám phá ra nó khi đang làm việc cho một công ty không quá cởi mở với việc thử những điều mới mẻ. Vào thời điểm ấy, tôi ngây thơ cho rằng, “Miễn là tôi vẫn trình lên những ý tưởng mới thì một lúc nào đó, họ sẽ sẵn sàng để thử làm điều khác biệt”.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra sự thay đổi không nằm trong văn hóa của công ty. Cùng lúc ấy, tôi cũng nhận được một bài học giá trị hơn: tôi hiểu ra đâu là môi trường làm việc mà tôi muốn phát triển.

Tôi muốn được làm ở một vị trí nơi mà tôi được trình bày các ý tưởng, là nhân vật chủ chốt trong một chiến lược, và cũng là nơi mà mọi người chấp nhận việc thử và mắc sai lầm. Nếu một công ty không bằng lòng xem xét những hướng tiếp cận mới hay trao đổi ý tưởng thì đó không phải là môi trường phù hợp với tôi.

 

3. Trải nghiệm nhiều môi trường làm việc giúp bạn nhanh chóng học được cách đánh giá nhà tuyển dụng, giống như việc họ đánh giá bạn

Bạn không nên tiêu tốn thời gian của mình để làm việc cho một công ty không ủng hộ các mục tiêu của bạn. Thay vào đó, hãy chọn một công ty có thể giúp bạn vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp.

 

4. Biết được mình muốn gì ở một công việc cho phép bạn trung thực hơn với bản thân và nhà tuyển dụng

Bạn càng hiểu rõ về yếu tố giúp bạn phát triển mạnh trong công việc thì bạn sẽ càng thoải mái hơn khi thể hiện các nhu cầu của mình với nhà tuyển dụng ở hiện tại và trong tương lai.

Ví dụ, tôi từng vô cùng lo lắng trước các cuộc phỏng vấn xin việc vì sợ rằng mình sẽ lỡ miệng nói sai điều gì đó. Tôi tập trung nhiều vào việc liệu tôi có đang đi đúng hướng hay không, và tôi cũng không bao giờ ngừng lại để tự hỏi liệu tôi có muốn công việc đó ngay từ đầu không.

 

5. Bạn không bao giờ muốn cảm thấy bản thân đang làm việc gì đó chì vì muốn có được một công việc

Là chính mình thực sự là một điều quan trọng. Điều đó có nghĩa, bạn nên đặt ra thật nhiều câu hỏi để chắc chắn rằng công ty đó là một lựa chọn phù hợp. Nếu một công ty không muốn tuyển bạn khi bạn đang là chính mình thì đó chắc chắn không phải là nơi mà bạn muốn cống hiến đâu.

Hãy nhớ, bạn càng trung thực với bản thân mình bao nhiêu thì cơ hội để bạn tìm thấy niềm vui trong công việc sẽ nhiều bấy nhiêu.

 

6. Sống đúng với bản thân giúp bạn tự tin hơn và đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp

Khi các giám đốc tuyển dụng biết tôi từng nhảy việc mấy lần, tôi đã chuẩn bị để trình bày với họ lý do. Tôi ủng hộ các quyết định của mình và luôn sẵn lòng để giải thích về mọi bước đi mà tôi đã thực hiện. Nhưng chưa có một nhà tuyển dụng nào từng phản đối niềm tin cốt lõi của tôi rằng, nếu tôi không đang học hỏi ở một công việc thì đó là lúc tôi nên chuyển sang một công việc mới.

Chìa khóa ở đây là sự tự tin

Khi bạn tự tin với con đường sự nghiệp mà bạn đã lựa chọn, mọi thứ sẽ tới. Bạn có thể trả lời bất cứ bình luận nào liên quan tới kinh nghiệm hay các câu hỏi mà một nhà tuyển dụng mới có thể hỏi bạn.

Điều đó cũng tương tự với công việc hiện tại của bạn. Không có gì sai khi bạn nói với sếp “Tôi đã quá chán ngán. Tôi muốn làm một dự án mới. Tôi cần được thách thức. Tôi sẽ thử một vài điều gì đó khác biệt”. Khi thấy bạn thực sự muốn phát triển, một nhà quản lý tốt sẽ không bao giờ đáp lại yêu cầu đó của bạn theo cách tiêu cực.

Nhưng nếu ai đó thẳng thừng từ chối bạn chỉ vì lý do chuyển việc thì họ đang giúp bạn đấy. Một người quản lý như vậy sẽ không thấy hứng thú với những ai đang kiếm tìm nhiều thứ mới mẻ nằm ngoài sự nghiệp của họ.

Và nếu bạn giống tôi thì hãy không ngừng làm việc chăm chỉ, chấp nhận thách thức bản thân để học hỏi cho tới khi tìm thấy người giúp bạn phát triển và khai phá được toàn bộ tiềm năng của mình.

*Bài viết được thực hiện bởi Devika Soni, giám đốc marketing của Shipchain – một nền tảng vận chuyển và hậu cần được xây dựng trên công nghệ blockchain.

 

 

Theo Nhịp sống kinh tế/Business Inside