Tin tức Đời sống - xã hội
“Thủ phạm” chính gây ra bệnh đột quỵ: Người Việt Nam có tỷ lệ mắc rất cao mà không biết
Theo GS Nguyễn Quang Tuấn – GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội, đột quỵ là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, với khoảng 200 nghìn người tử vong/năm, hàng trăm nghìn ca di chứng.
Cửa sổ vàng quá ngắn
Theo GS Tuấn, cơn đột quỵ do tai biến thường đột ngột, khoảng 10% là có triệu chứng báo trước, ví dụ như do cơn thiếu máu não thoáng qua, biểu hiện ở thần kinh thoáng qua… Còn 90% xảy ra đột ngột và người bệnh không có biểu hiện từ trước, có chăng biết trước mình bị tăng huyết áp, còn hầu như không có triệu chứng.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, không phải cảm giác chúng ta mệt mỏi mà thời tiết ảnh hưởng đến các biến chứng trong đó có các biến chứng tim mạch, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ .
Đặc biệt, vào mùa đông nhiệt độ hạ xuống thì huyết áp tăng lên một cách sinh lý. Vì trời rét cơ thể giữ nhiệt, mạch máu co lại tăng cảm ngoại biên và làm huyết áp tăng lên.
Y học hiện nay có nhiều tiến bộ nhưng đột quỵ vẫn có tỷ lệ tử vong cao. Chỉ cách đây khoảng 5-7 năm đột quỵ coi như dấu chấm hết, lúc đó bác sĩ chỉ điều trị biến chứng của đột quỵ, không can thiệp được gì, nhưng bây giờ y học phát triển. Nếu bệnh nhân đột quỵ đến giờ đúng thời gian vàng thì cơ hội cứu chữa vẫn cao.
Hiện nay, những trường hợp đột quỵ do tắc mạch đến sớm có chỉ định có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tiêu cục máu đông giúp lưu thông trở lại hoặc một số bệnh viện các bác sĩ có thể dùng dụng cụ hiện đại đưa vào mạch não hút huyết khối ngay lập tức dòng máu được thông tuần hoàn não được phục hồi.
Trường hợp bệnh nhân đến sớm tế bào não chưa hoại tử nhiều thì khả năng hồi phục gần như hoàn toàn, giảm tử vong, di chứng.
Tuy nhiên, GS Tuấn cho biết “cửa sổ vàng” này rất hẹp, trước đây là 3 tiếng, bây giờ là 4,5 -6 tiếng. Vì vậy, khi có dấu hiệu đột quỵ khoảng thời gian đó đòi hỏi người nhà phải xử lý nhanh.
GS Tuấn cho rằng, quan trọng nhất là làm sao phát hiện đưa đến cơ sở y tế sớm nhất được chăm sóc kịp thời đặc biệt là đến cơ sở y tế có điều kiện làm can thiệp kịp thời hoặc dùng thuốc tiêu sợi huyết thì khả năng phục hồi cho bệnh nhân rất cao.
Bệnh nhân đột quỵ có nhiều biểu hiện ở mức độ khác nhau. Khi người nhà, người xung quanh thấy bệnh nhân có dấu hiệu như nói lắp, tê nửa người, năng hơn yếu nửa người hoặc lơ mơ ngủ gà, không tỉnh táo, có dấu hiệu bất thường xảy ra thì nên đến bệnh viện ngay.
Thủ phạm gây đột quỵ chính
GS Tuấn cho rằng, tỷ lệ đột quỵ không ngừng gia tăng ảnh hưởng nhiều từ các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp. Người Việt Nam có tỷ lệ tăng huyết áp rất cao và không biết mình bị tăng huyết áp.
Thống kê của Hội tim mạch Việt Nam cách đây hơn 10 năm tức là khoảng vào năm 2008, có 25,1% người trưởng thành mắc tăng huyết áp tức là từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp
Nhưng thống kê gần đây trên quy mô nhỏ hơn thì tăng huyết áp cao hơn rất nhiều có khoảng 30-37% tùy từng địa phương.
Tăng huyết áp được mệnh danh là kể giết người thầm lặng, bởi hầu hết các bệnh nhân không hề có triệu chứng gì. Đa số họ không biết mình có bệnh đến khi có triệu chứng trên lâm sàng đã có biến chứng, ví dụ như khó thở do suy tim, đau ngực do suy vành hoặc tê biến nửa người do tai biến.
Đây là biến chứng trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuốc sống, tuổi thọ, kinh tế gia đình mà rộng hơn ảnh hưởng đến cả kinh tế xã hội.
Theo khuyến cáo của hội tim mạch Việt Nam, của Hoa Kỳ hay của thế giới thì chúng ta phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những người nam trên 40 nữ 45 bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần làm sinh hóa máu, đặc biệt là phải đo huyết áp thường xuyên. Các chuyên gia tim mạch thường nói phải nhớ chỉ số huyết áp như nhớ tuổi của mình.