Tin tức BĐS
Giá đất tăng chóng mặt, người dân Tp.HCM ngày càng khó mua nhà ở trung tâm
Đi xa để tìm chốn an cư hay bỏ số tiền lớn để ở Tp.HCM. Dường như thị trường BĐS ở thời điểm này không còn nhiều cơ hội để người mua thực lựa chọn?
E dè vì giá nhà quá cao
Khác hẳn với các năm trước, ghi nhận tại khu ven Tp.HCM như Q.9, Q.12, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi…không còn cảnh người mua ở thực ráo riết tìm nhà để mua vào dịp cận Tết. Thay vào đó là sự e dè vì giá nhà đã vượt quá khả năng chi trả của họ.
Tiếp xúc với chị Mai Hương, hiện đang trọ tại Q.7, Tp.HCM, chị Hương cho biết, gia đình đã tìm nhà để mua hơn nửa năm nay nhưng đến hiện tại vẫn chưa mua được. Một phần vì tiền tích lũy chưa đủ, đợi cuối năm có thêm “khoản ra, khoản vô” của hai vợ chồng mới “xuống tiền”.
Thế nhưng, ngặt nỗi giá nhà đất cứ tăng thêm chứ không dừng lại, đến hiện tại đi xem đất tại khu vực Q.9 thì miếng đất vợ chồng dự định mua đã tăng thêm khoảng 200 triệu đồng (tính từ tháng 5/2019 đến nay). Một số môi giới chào miếng đất giảm giá ở khu vực này nhưng cũng nằm ở ngưỡng 2.2 tỉ đồng/nền/50m2. “Vợ chồng còn thiếu gần phân nửa số tiền đó, cho nên khó xoay sở được”, chị Hương phân trần.
Tuy nhiên, khi ngỏ ý đi về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai để mua đất xây nhà, chị Hương tỏ ra e ngại vì khoảng cách, mặc dù biết số tiền bỏ ra sẽ phù hợp hơn.
Thực tế, nhiều người mua ở thực đã “từ bỏ” ý định tìm kiếm đất nền khu ven Tp.HCM ở thời điểm cận Tết vì biết rằng, suốt thời gian qua giá đất đã tăng cao hơn nhiều lần so với tích lũy của họ. Đó cũng là lý do, đất nền (có sổ) ở một số khu vực như Bình Chánh, Nhà Bè, Q.9 hạ nhiệt rõ nét dịp cuối năm.
Thậm chí, như trước đó thông tin ở một số khu vực đã có hiện tượng giảm giá 200-250 triệu đồng/lô so với thời điểm giữa năm 2019. Tuy vậy, sức mua cũng không mấy sáng sủa khi mà bản thân người có nhu cầu ở thực không “chạy đua” lại được với mức giá đã ở ngưỡng khá cao so với tài chính của họ.
Một số người mua thực khi được hỏi, khi nào mới quyết định “xuống tiền”, họ cho biết, sẽ đợi thêm thời gian nữa xem giá có giảm thêm không vì thị trường đang đứng, có thể NĐT sẽ tiếp tục giảm giá. Bởi với họ, nếu mua với ngưỡng giá quá cao thì phải vay mượn thêm, gánh nặng tài chính là nỗi lo lớn.
Thế nhưng, bản thân trong số họ cũng dự cảm rằng, giá nhà đất Tp.HCM sẽ không thể giảm mạnh đến mức kì vọng họ có thể mua được. Vì thế, dường như chốn an cư vẫn là nỗi niềm của rất nhiều người có nhu cầu ở thực hiện nay.
Bên cạnh đất nền, thì nhà phố xây sẵn trong các khu dân cư đã hiện hữu trước đó lại càng là thách thức lớn đối với người mua thực. Nếu cách đây 2 năm, những căn nhà mới xây luôn bán rất tốt vào dịp cuối năm trước nhu cầu mua nhà đón Tết thì hiện tại cũng chững lại do giá cũng đã chạm ngưỡng khá cao.
Một số căn nhà xây sẵn tại khu vực Q.9, Q.12 dù đã hoàn thiện cách đây 3 tháng và rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa chốt được khách mua. Với mức giá từ 2.9-3.5 tỉ đồng/căn (tùy vị trí, diện tích) thì cũng không mấy dễ dàng ra hàng khi mà thu nhập của số đông khách hàng là khiêm tốn.
Một phần e dè vì giá cao, phần nữa vì người mua thực hiện nay không còn nhiều sự lựa chọn ở vị trí do không có nguồn cung mới. Những nền đất người mua thực ưng ý thì vượt quá khả năng tài chính, những nền ở vị trí xa giá mềm hơn thì rào cản về khoảng cách di chuyển. Vì thế, theo các môi giới khu ven Sài Gòn, hiện nhiều NĐT gửi hàng họ bán nhưng bán khá chậm. Cuối năm môi giới đều trông chờ vào dòng tiền từ người mua ở thực nhưng gần như không sáng sủa trong giai đoạn này.
Người mua thực bắt đầu không quan tâm đến khoảng cách xa hay gần?
Tại sự kiện mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng, hiện nay người mua ở thực họ ít quan tâm đến khoảng cách xa hay gần về địa lý mà quan tâm của họ là từ chỗ ở đến chỗ làm hết bao nhiêu phút. Hiện có khá nhiều người làm việc ở Tp.HCM nhưng sở hữu nhà ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai.
“Câu chuyện ở đây là vấn đề kết nối giao thông làm sao để người mua thực có thể đi xa được để mua nhà, với giá tiền hợp lý với tài chính của họ. Đây cũng là yếu tố quyết định rất nhiều đến sự phát triển của thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, những năm qua thị trường vệ tinh Tp.HCM đang hình thành các khu đô thị quy mô lớn dựa trên yếu tố hạ tầng kết nối thuận tiện. Theo đó, người mua thực họ với dòng tiền khiêm tốn họ đã về các khu vực vệ tinh để tìm kiếm đất, nhà ở. Với việc di chuyển đi làm không quá xa nếu có hạ tầng đảm bảo thì khoảng cách không còn là rào cản quá lớn đối với họ.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, người mua ở thực hiện nay đã không quá “kén” về vị trí, đa phần họ dựa trên thực lực tài chính của mình để quyết định chọn chốn an cư. Hiện có rất nhiều người làm việc ở Q.9, Q.Thủ Đức nhưng chỗ ở là Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) hoặc ở Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) nhưng làm việc ở khu trung tâm Tp.HCM. Họ di chuyển từ chỗ ở đến chỗ làm mất khoảng 30-50 phút, với đường xá thoáng, không kẹt xe thì đây vẫn là khoảng cách hợp lý.
Còn theo ý kiến của nhiều người mua thực, thay vì bỏ một số tiền quá lớn, gồng gánh thêm nợ nần thì lựa chọn vị trí di chuyển xa một chút nhưng thoải mái về tài chính, ít áp lực.
Thực tế cho thấy, ở thời điểm này, thị trường nhà đất vùng ven Tp.HCM chậm rõ nét về giao dịch thì cuối năm những người mua thực vẫn còn nhu cầu tìm kiếm nhà phố ở khu tỉnh lân cận với mức giá từ 1.9-2.3 tỉ đồng/căn hoặc đất nền trong khoảng giá trên dưới 1.5 tỉ đồng/nền. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan cho thấy, nhu cầu ở thực đã bắt đầu xu hướng dạt về tỉnh lân cận để sở hữu chốn an cư hợp túi tiền với bản thân hơn.
Theo Trí thức trẻ