Tin tức Đời sống - xã hội

Chia sẻ gây bão của nữ điều dưỡng viên chăm người già tại Úc: Chẳng có gì gọi là “việc nhẹ lương cao”, đằng sau thu nhập 58.000 USD/năm là nỗi niềm không ai thấy!

 

Mỗi điều dưỡng viên chỉ có 8 phút 18 giây để tắm rửa, lau khô, dưỡng ẩm, mặc quần áo, chải đầu, đánh răng, đeo máy trợ thính, chăm sóc vết thương… cho mỗi cụ già!

 

 

Đọc thông tin tuyển dụng, ai nấy đều bị hấp dẫn với mức lương “khủng” mà nghề điều dưỡng tại Nhật, Đức hay Úc mang lại, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo trang tuyển dụng Neuvoo tại Úc, mức lương của một điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi dao động trong khoảng từ 75.000 – 85.000 AUD/năm (hơn 1 tỷ VNĐ).

Mọi người thường nghĩ rằng đây là một công việc nhàn hạ, đơn giản. Bởi lẽ, người cao tuổi ít khi đòi hỏi quá đáng và các điều dưỡng viên cũng có sự trợ giúp từ máy móc. Vì vậy, nếu có sự cố xảy ra, các điều dưỡng viên sẽ ngay lập tức bị chỉ trích là thờ ơ, kém cỏi và tắc trách.

Tuy nhiên, một nữ điều dưỡng viên đến từ New South Wales (Úc) đã khiến mọi người phải suy nghĩ lại khi chia sẻ những góc khuất tàn nhẫn mà cô phải đối mặt trong nghề.

Dưới đây là bài chia sẻ của Tahlia Stagg – người làm việc tại nhà dưỡng lão – về một ngày làm việc đầy mệt mỏi của mình.

 

Chia sẻ gây bão của nữ điều dưỡng viên chăm người già tại Úc: Chẳng có gì gọi là việc nhẹ lương cao, đằng sau thu nhập 58.000 USD/năm là nỗi niềm không ai thấy! - Ảnh 1.

Tahlia Stagg

 

“Bây giờ là 6h30 và ca trực của tôi bắt đầu. Thời gian ăn sáng của các cụ là 8h. Như vậy, tôi sẽ chỉ có 90 phút. Đúng 8h, 11 người trong số 24 cụ già mà tôi phụ trách sẽ phải có mặt ở phòng ăn, sau khi đã được tắm rửa và mặc quần áo sạch sẽ.

Hãy tính toán một chút. Như vậy, tôi chỉ có đúng 8 phút 18 giây cho mỗi cụ! Trong vòng 8 phút đó, tôi phải dùng xe lăn để đưa các cụ từ giường ra nhà vệ sinh, rồi tắm rửa, lau khô, dưỡng ẩm, mặc quần áo, chải đầu, đánh răng, đeo máy trợ thính, chăm sóc vết thương cho các cụ. Sau đó, tôi sẽ để họ ngồi trên xe lăn, rồi mới đi dọn phòng, dọn giường, đổ rác. Cuối cùng, tôi đưa họ ra phòng ăn. Tất cả chỉ trong vòng 8 phút!

Trong lúc đó, 13 cụ già khác đang chờ đợi tôi mang bữa sáng tới. Họ không thể đi lại, giao tiếp hay tự mình ăn. Họ cần được bón bằng thìa, uống nước qua ống hút và còn gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn. Kể từ khi ca trực bắt đầu, chưa ai tới chỗ những người này cả, bởi các cụ già còn khả năng đi lại và nói năng mới là đối tượng ưu tiên. Họ vẫn chưa được chăm sóc, bởi lẽ trong viện dưỡng lão gồm 24 người già này, 4 điều dưỡng viên chỉ cố được đến thế.

Bây giờ là 9h, hay còn được biết tới là khung giờ “mã nâu”. Tin hay không tùy, nhưng cả 24 cụ già đều sẽ muốn đi vệ sinh cùng lúc. Một điều dưỡng viên đang đi phát thuốc, một điều dưỡng viên khác đang đi thu dọn khay ăn sáng. Như vậy, chỉ còn lại 2 người chạy đi chạy lại, trả lời hàng chục tiếng chuông và đưa các cụ đi vệ sinh. Đột nhiên, một cụ già đại tiện không kiểm soát. Bạn đã tắm cho bà sáng nay, nhưng khi bạn nhìn thấy vết phân trải dài từ phòng ăn về đến phòng ngủ, bạn nhận ra mình sẽ phải tắm lại cho bà ấy một cách khẩn trương!

 

Chia sẻ gây bão của nữ điều dưỡng viên chăm người già tại Úc: Chẳng có gì gọi là việc nhẹ lương cao, đằng sau thu nhập 58.000 USD/năm là nỗi niềm không ai thấy! - Ảnh 2.

 

Bây giờ là 9h30. Nhẽ ra bạn đã được nghỉ ngơi, thư thái uống trà. Nhưng không. Mà cho dù có thời gian để nghỉ ngơi, bạn cũng sẽ cảm thấy tội lỗi, bỏ dở cốc trà nguội ngắt để nghĩ về 13 cụ già vẫn đang nằm trên giường với chiếc bỉm cũ từ đêm qua, không thể nhấn chuông gọi trợ giúp.

Quay trở lại vấn đề. Bạn thậm chí còn chẳng có đủ thời gian để đi vệ sinh.

Bây giờ là 9h40. Mọi nhiệm vụ chăm sóc phải được hoàn thành trước 11h, vừa kịp lúc bắt đầu chuẩn bị bữa trưa. Như vậy, bạn chỉ có 6 phút 15 giây để giúp từng cụ già vệ sinh cá nhân. Dĩ nhiên, đấy là viễn cảnh lý tưởng nhất. Còn sự thực là, thời gian dành cho mỗi cụ già luôn bị rút bớt vì ai đó bị ngã, bị gãy hông, bị rách da, qua đời, nôn, đại tiện ra quần,…

Bây giờ là 11h. Bạn vẫn chưa động gì đến các loại giấy tờ. Bạn sẽ gặp rắc rối lớn, vì giấy tờ đồng nghĩa với tiền tài trợ. Bạn cố gắng gõ bàn phím thật nhanh, nhìn qua hàng đống biểu đồ, nhưng rồi chuông cứ reo không dứt, và điện thoại thì không ngừng kêu.

Nhân viên dưới sảnh báo rằng các cụ già đã chơi bingo xong và sẵn sàng quay trở về phòng.

Thợ làm tóc gọi từ văn phòng, yêu cầu bạn đưa các cụ đến buổi hẹn đã định. Trong lúc đó, các điều dưỡng viên sẽ tranh thủ nghỉ trưa.

 

Chia sẻ gây bão của nữ điều dưỡng viên chăm người già tại Úc: Chẳng có gì gọi là việc nhẹ lương cao, đằng sau thu nhập 58.000 USD/năm là nỗi niềm không ai thấy! - Ảnh 3.

 

Bây giờ là 12h – giờ ăn trưa. Một điều dưỡng viên phát thuốc, một người khác cho các cụ già không thể đi lại ăn, còn người thứ ba giám sát những cụ đang ngồi trong phòng ăn. 2 cụ già đang cãi nhau xem ai được nhiều kem hơn; một cụ khác bị nghẹn vì cố uống nước thay vì truyền dịch. Có cụ lại nhả miếng thức ăn đang nhai ra và nhét vào miệng một cụ già khác đang ngủ gật.

Và bạn vẫn chưa động gì tới đống giấy tờ.

Bây giờ là 12h30, cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất ca trực. Cả 24 cụ già đều cần được đi vệ sinh, kiểm tra các vết lở loét do nằm nhiều, sau đó quay trở lại giường. 1 tiếng là không đủ nhưng bạn bắt buộc phải hoàn thành công việc. 2 nhân viên sẽ về nhà lúc 13h, người còn lại nghỉ lúc 14h. Và sau đó, bạn chỉ có một mình.

Bây giờ là 14h45. Nhẽ ra bạn sẽ được về nhà trong vòng 15 phút nữa. Nhưng bạn đâu thể bỏ đi khi chưa xử lý xong đống giấy tờ.

Bây giờ là 15h20. Bạn đang làm ngoài giờ, nhưng chẳng được thêm một xu.

Khi bạn đang mải ghi chép, một cụ ông đánh đổ nước ra quần. Bạn không nhìn thấy, nhưng gia đình của cụ thì có. Họ đến thăm cụ (vào đúng lúc này). Họ không nhìn thấy ly nước bị đổ trên sàn nhà, mà chỉ thấy vũng nước giữa quần cụ. Họ lao đến nói chuyện với bạn, bằng một thái độ gay gắt và bực mình. Họ “lên lớp” bạn về chuyện để cha họ mặc quần ướt như thế. Bạn xin lỗi và giải thích đó chỉ là nước lọc, nhưng dĩ nhiên là bạn sẽ đưa ông cụ đi thay đồ ngay.

Gia đình đó không biết rằng cha họ đã nhổ nước bọt lên người bạn lúc 7h, khi bạn tắm cho cụ. Họ không thấy bạn mát-xa đầu gối cụ để giảm bớt cơn đau. Họ không thấy bạn hái hoa đặt lên lòng cụ và động viên cụ suốt bữa sáng. Họ không thấy bạn khuyến khích cụ ăn khi cụ ngần ngại. Họ chỉ thấy mỗi một thứ – vũng nước trên quần cụ. Như thể đó là ngày tận thế.

 

HÃY ĐỂ TÔI NÓI THẬT TO CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT GÌ NGHE!

Truyền thông khiến bạn tin rằng các điều dưỡng viên đều là những người vô tâm và thiếu năng lực. Đúng vậy, có những con sâu làm rầu nồi canh, và chuyện đó cần được chấn chỉnh. Tuy nhiên, bạn không thể thấy được những điều đang xảy ra sau mỗi cánh cửa đóng. Vì vậy, bạn buộc phải tin vào những gì truyền thông khắc họa.

Họ không thấy chúng tôi nắm tay một cụ già mắc bệnh Parkinson để ngăn cơn run của cụ trong chốc lát. Họ không thấy chúng tôi khẽ hát bài ca ưa thích của các cụ trong giờ ăn. Họ không thấy chúng tôi khóc khi chải tóc cho một cụ già vừa ra đi để người nhà có thể gặp cụ lần cuối. Họ không thấy chúng tôi về nhà mà trong lòng vỡ vụn vì đã nhìn thấy quá nhiều thứ trong ngày, hơn bất kỳ ai khác.

Chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn bạn nghĩ. Vậy mà người khác vẫn nghĩ như thế là không đủ; điều đó thật tồi tệ!

Không phải là chúng tôi không đủ năng lực, mà là chúng tôi thiếu thời gian. Bạn chỉ nghe về những điều tồi tệ mà không biết rằng, đa số chúng tôi đều là người tốt và coi các cụ như người thân của chính mình.

Chân thành,

Từ một điều dưỡng viên kiệt sức.

*Tôi không chỉ trích nơi làm việc của mình, mà đây là thực trạng ngành chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tôi may mắn được làm việc tại cơ sở tốt nhất địa phương, với những nhân viên tuyệt vời nhất. Dù đây là công việc khó nhất tôi từng làm, tôi vẫn rất yêu nó!”

Bài viết này của Tahlia Stagg đã nhận được hơn 41.000 lượt thích, 13.000 bình luận và 42.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Hầu hết mọi người đều cảm ơn cô vì đã chia sẻ trải nghiệm của mình.

Rõ ràng, chẳng có một công việc nào trên đời này là dễ dàng. Ai cũng phải đánh đổi mồ hôi, công sức và thời gian của mình mới được hưởng mức lương xứng đáng. Vì vậy, thay vì mộng tưởng về “việc nhẹ lương cao”, hãy trân trọng và cố gắng hết sức mình cho công việc đang làm, cũng như đừng xem nhẹ nghề nghiệp của người khác.

 

 

 

Theo Trí thức trẻ/Tahlia Stagg