Tin tức Đời sống - xã hội
Chỉ có tự giác và kỷ luật mới tạo nên người xuất sắc: Kiên trì chính là kỷ luật
Những người có thể thành công và đã đạt được thành công đều là những người rất kỷ luật. Người có thể giữ kỷ luật vừa đáng khâm phục lại vừa đáng kính. Nếu người đó là bạn bè sẽ là tấm gương cho bạn học tập, nếu đó là người anh, người chị sẽ là động lực giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn.
Khi còn trẻ, bạn không nhận ra rằng chính ở độ tuổi này mới là tiền đề cho tương lai. Cái lứa tuổi cần xây dựng, vun trồng chứ không phải chờ đợi và hưởng thụ. Chúng ta thường nghĩ đời người sống được mấy mà lại không tận hưởng niềm vui trước mắt. Cuộc sống này tươi đẹp đến vậy nhưng lại rất ngắn ngủi, nếu bạn không tận hưởng thì đến lúc chết đi rồi có phải rất uổng phí hay không?
Chúng ta tưởng rằng buồn thì say cho quên sầu, thích thì ăn chẳng cần màng gì sức khỏe. Cho đến sau này, chúng ta mới có thể phát hiện ra, mỗi một hành vi vô kỷ luật của bản thân không làm khổ ai khác ngoài tự làm khổ chính cơ thể của mình.
Muốn thành công hãy học cách giữ kỷ luật. Kỷ luật sẽ thúc đẩy bạn sống một cách tích cực và sớm đạt được thành tựu hơn.
1. Tại sao phải kỷ luật?
Con người thường có một kiểu, thích nhìn thấy thành công của người khác và chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta không biết rằng trước khi có được kết quả thành công như ngày hôm nay thì những người mà chúng ta đang nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ ấy đã phải nỗ lực nhiều đến đâu.
Thậm chí không ít lần chúng ta cười nhạo rằng: Giữ nguyên tắc thật khô khan, nhàm chán. Rõ ràng những người khác đang vui vẻ, thì những người giữ kỷ luật lại đang vùi mình trong sách vở. Khi chúng ta đang thoải mái chọn món ăn ngon ngoài kia thì họ lại vật vã với những bài tập thể dục kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Thậm chí cả ngày nghỉ cũng không dành cho mình thời gian để nghỉ ngơi, họ vẫn thực hiện thói quen dậy sớm, tập thể dục, đọc sách. Chúng ta cho rằng họ đang ngược đãi bản thân, nhưng kỳ thực họ lại đang chăm sóc sức khỏe và bảo vệ cơ thể mình rất tốt. Họ không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn khiến tư duy của mình tốt hơn.
2. Người kỷ luật hay người vô kỷ luật tự do hơn?
Bên ngoài, chúng ta thường cho rằng người kỷ luật là những người luôn bị gò bó bởi thời gian mà không nhận ra một sự thật rằng người kỷ luật tự do hơn nhiều so với người vô kỷ luật.
Khi những người khác đang bận nỗ lực, bận cố gắng thì bạn lại mải mê với việc hưởng thụ mà không hề biết nỗ lực thì rõ ràng bạn đang không có trách nhiệm với chính bản thân mình. Sự thật cho ta biết rằng hiện tại bạn cảm thấy tự do nhưng chẳng bao lâu nữa bạn sẽ trì trệ và không thể nào theo kịp được người biết kỷ luật.
Cái khoảng cách giữa người kỷ luật và người vô kỷ luật vô cùng nhỏ. Một hai ngày làm sao bạn nhìn ra, thậm chí đến một hai tháng bạn vẫn mông lung với nó. Nhưng chỉ 1 năm, 2 năm sau bạn sẽ phát hiện ra sự thật khác biệt thay đổi đến mức nào.
3. Tự kỷ luật khiến lời nói của bạn có trọng lượng
Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui tầm thường, trong khi ấy người kỷ luật lại định hướng được mong muốn của bản thân. Rõ ràng, những người xác định được mục tiêu của mình họ sẽ không để thời gian và năng lượng phung phí vào những thứ vô nghĩa. Chỉ khi có thể sử dụng thời gian một cách tối ưu, quý trọng thời gian mình có và dùng nó để hoàn thiện bản thân thì tương lai bạn mới mong mình trở thành người có giá trị.
Con người muốn lời nói của mình có trọng lượng và có được thành công, hạnh phúc trong cuộc sống thì càng phải tự mình biết giữ kỷ luật. Tự giác kỷ luật không phải chỉ đơn thuần bằng lời nói. Người có thể kiên trì bằng hành động mới là người đạt được thành tựu.
4. Kiên trì chính là kỷ luật
Nếu nhắc đến tính kiên trì có lẽ phải kể đến tác gia Haruki Murakami, ông bắt đầu viết từ những năm 30 tuổi. Để có được một lượng lớn các tác phẩm kinh điển trong và ngoài Nhật Bản như hiện nay, mỗi ngày ông đều tạo cho mình thói quen viết 4.000 từ, tương đương 10 trang mỗi trang 400 từ. Ngoài ra ông còn dành thời gian để chạy bộ, nhờ đó ông có sức khỏe và tinh thần đủ tốt để tạo nên những tác phẩm xuất chúng.
Hay bạn có thể nhớ tới Bill Gates một tỷ phú đặc biệt yêu thích đọc sách. Suốt những năm qua, ông đều duy trì thói quen đọc sách ít nhất 2 cuốn mỗi tuần. Để có thể duy trì được thói quen đó, chắc chắn ông đã phải vô cùng nghiêm khắc với bản thân.
Con người có thể vượt lên đỉnh cao chắc chắn là người dùng toàn bộ ý chí và luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, kiên trì tiến về phía trước. Vốn dĩ, để thành công không thể đi đường gần, đã không thể đi gần lại càng không thể hấp tấp, vội vàng được. Mỗi bước đi trên đường đời sẽ mang tính ảnh hưởng, quyết định rất lớn đến tương lai của bạn nên hãy bước từng bước thật chắc chắn.
Thay vì để giấc mơ của mình bị bóp nghẹt trên giường hãy tự kỷ luật ngay từ bây giờ. Thức dậy sớm, nỗ lực hoàn thành tốt mọi việc và tương lai bạn có thể trở thành hình tượng mà mình yêu thích, cuộc sống mà mình mong đợi.
Con người càng chăm chỉ, nỗ lực, càng tự kỷ luật thì lại càng trở nên xuất sắc. Bởi lẽ, không phải người xuất sắc mới tự giác và kỷ luật, mà là tự giác và kỷ luật rồi mới trở thành người xuất sắc.
Theo Trí thức trẻ