Cẩm nang nghề nghiệp
Cách viết Mục Tiêu Nghề Nghiệp chuẩn giúp CV “tỏa sáng”
Mục tiêu nghề nghiệp là phần không thể thiếu trong mỗi CV. Đó là một bản mô tả ngắn gọn giúp nhà tuyển dụng nắm khái quát về bản thân và lộ trình công việc của bạn, từ đó cân nhắc về mức độ phù hợp của bạn đối với vị trí ứng tuyển.
Mục tiêu nghề nghiệp (Career Objective) là đoạn giới thiệu của ứng viên về định hướng công việc của bản thân trong tương lai ngắn hạn hoặc dài hạn. Mục tiêu nghề nghiệp không phải những lời mô tả chung chung, mà cần ngắn gọn, rõ ràng, đi đúng trọng tâm và cho nhà tuyển dụng thấy lý do mà họ nên tuyển bạn.
3 nguyên tắc tạo nên một Career Objective ấn tượng
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn hãy ghi nhớ các nguyên tắc sau:
- KISS (Keep it short and simple): Giới hạn đoạn giới thiệu trong khoảng 150-200 chữ, cô đọng và súc tích nhất có thể.
- WIIFT (What’s In It For Them): Mục tiêu mà bạn hướng đến phải “có tiếng nói chung” với mục tiêu của công ty. Bạn cần thể hiện cho họ thấy, bạn mong muốn điều gì trong tương lai, và những điều bạn hướng đến cần thiết, và cần tới công việc này như thế nào. Không thể thể hiện rằng mục tiêu 10 năm tới của bạn là kế toán trưởng khi ứng tuyển vào vị trí marketing của một công ty truyền thông.
- Be specific: Chỉ rõ công việc và ngành nghề mà bạn đang theo đuổi.
5 lỗi sai cơ bản khiến mục tiêu nghề nghiệp trở thành “thảm họa”
- Một mục tiêu nghề nghiệp cho tất cả các vị trí
Một mục tiêu nghề nghiệp chung chung với những ngôn từ kiểu “phát triển bản thân” “đóng góp cho công ty” nghe có vẻ rất ổn, tuy nhiên, nhà tuyển dụng đánh giá rất thấp những mục tiêu này bởi họ chẳng tìm ra được sự khác biệt nào trong CV của bạn. Và có vẻ như, mục tiêu nghề nghiệp được viết ra “không chỉ dành cho họ”.
- Mục tiêu chỉ đề cập đến bạn
Một CV xin việc cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy lý do vì sao họ nên tuyển bạn. Việc tách rời mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung khiến họ cảm thấy bạn hoàn toàn không liên quan, cũng như không thể đặt lợi ích công ty lên trên cùng.
- Mục tiêu không rõ ràng
Việc đưa ra các cụm từ tựa như “muốn phát triển kỹ năng và tích lũy thêm kinh nghiệm” sẽ gây sự khó hiểu. Bạn đã có kinh nghiệm gì? Bạn muốn phát triển kỹ năng gì?
- Mục tiêu quá dài dòng
Nhà tuyển dụng dành không quá 1ph cho việc đọc CV. Mục tiêu dài dòng không những khó truyền tải một cách trọng tâm những gì bạn mong muốn, còn gây cảm giác ức chế nơi người đọc, và có thể họ sẽ không muốn dành thêm thời gian cho các phần khác trong CV của bạn.
- Mục tiêu không nhấn mạnh tới giá trị tạo ra cho công ty
Thể hiện được các điểm mạnh của mình qua mục tiêu nghề nghiệp là một điều cần, tuy nhiên chưa đủ. Bạn cần phải nhấn mạnh được tầm quan trọng của các thế mạnh của mình đối với công ty.
Một số ví dụ hay cho mục tiêu nghề nghiệp
- Marketing: Tôi mong muốn đa dạng hóa kỹ năng marketing của mình bằng cách phát triển thêm ở mảng digital marketing. Mục tiêu của tôi trong 2 năm nữa đó là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chạy ads, tạo hiệu quả doanh thu tốt nhất cho công ty.
- Kế toán: Tôi mong muốn có thể lấy bằng ACCA trong 5 năm tới. Không ngừng nâng cao nghiệp vụ bản thân, tiến lên vị trí kế toán trưởng, tạo quy trình kế toán lành mạnh hiệu quả trong công ty.
- Sales: Tôi mong muốn làm việc trong môi trường cạnh tranh, nhiều thử thách. Nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, không ngừng tăng lợi nhuận chung cho công ty và thu nhập của bản thân.
Nguồn: Tham khảo