Tin tức Kinh doanh - Tài chính

Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ khốn đốn vì hàng giả ở Trung Quốc

 

Trong khi các cuộc thảo luận về bảo vệ sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ lớn, các chủ doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn cùng những nguồn lực hạn chế để bảo vệ bằng sáng chế và nhãn hiệu của mình trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc.

 

 

Bà Ruth Brons, 60 tuổi, trở thành doanh nhân cách đây một thập kỷ khi phát minh ra một phụ kiện giúp học sinh cầm đàn violon chuẩn xác. Đây là kỹ thuật có thể mất nhiều năm để học được nhưng với phát minh của bà Brons, học sinh có thể cầm đàn đúng ngay từ lần học đầu tiên.

Bà được cấp bằng sáng chế ở Mỹ, Canada, Mexico, Châu Âu và Úc, đăng ký với tên Bow Hold Buddies. Nhưng khi công việc kinh doanh phát triển, bà Brons cần phải tìm những cách thức mới để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ của mình chống lại những kẻ làm hàng giả ở cách xa hàng ngàn dặm – Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, có một tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh và mọi phụ huynh đều muốn con mình học một nhạc cụ cổ điển phương Tây để nâng tầm chúng trong xã hội. Khi Brons thuê một đại lý vào năm 2013 để phân phối sản phẩm của mình tại Trung Quốc, họ nhận thấy nhu cầu cho phụ kiện violon ở Trung Quốc rất lớn – vấn đề là họ không phải là những người duy nhất cung cấp sản phẩm đó.

 

Trò chơi đập chuột – May rủi, tạm thời, không thể diệt tận gốc

Bà Brons đã tìm thấy các phiên bản giả của sản phẩm được rao bán trên trang thương mại điện tử Taobao, phát hiện ra hai nhà máy – ở Ninh Ba và Heng Shui – đang sản xuất những sản phẩm nhái. Hàng giả được bán với giá chỉ bằng một phần của Brons.

Thậm chí tệ hơn, bằng sáng chế bà Brons đã trả khoảng 100.000 USD ở Mỹ cũng bị sao chép. Những kẻ giả mạo đã dịch tất cả 32 yêu cầu bằng sáng chế của bà sang tiếng phổ thông và đăng ký tại Trung Quốc.

Trộm cắp tài sản trí tuệ là một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc và là tranh chấp trọng tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Trong năm 2018, 87% các sản phẩm giả được thu giữ tại các cảng của Mỹ đến từ Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông, theo Văn phòng Thương mại và Bảo vệ Biên giới Mỹ. Đây không chỉ là vấn đề đối với riêng Mỹ. 80% các sản phẩm giả được thu giữ trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ khốn đốn vì hàng giả ở Trung Quốc - Ảnh 1.

 

Trong khi các cuộc thảo luận về bảo vệ sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ lớn, các chủ doanh nghiệp nhỏ như bà Brons phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn cùng những nguồn lực hạn chế để bảo vệ bằng sáng chế và nhãn hiệu của họ – cốt lõi của doanh nghiệp – trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc.

Bà Brons, thông qua đại diện pháp lý, đã đưa vấn đề này ra tòa ở Trung Quốc, nỗ lực vô hiệu hóa các bằng sáng chế sao chép và rút danh sách các sản phẩm giả xuống khỏi Taobao. Bà Brons đã phải trả hàng chục nghìn USD cho quá trình có thể mất nhiều năm này, nhưng các sản phẩm giả mạo mới nhanh chóng xuất hiện.

“Bạn diệt được một và một cái khác lại nổi lên. Nó giống như trò chơi đập chuột,” bà Brons nói.

Bà cho biết doanh thu hàng năm của công ty chỉ bình bình ở mức khoảng 320.000 USD vì hàng giả đang cản trở sự tăng trưởng doanh thu ở Trung Quốc, vốn là thị trường quan trọng nhất của bà. Và khi các hóa đơn pháp lý chồng chất, chi phí để đầu tư vào công việc kinh doanh và các khoản chi tiêu quan trọng như quảng cáo bị giảm đi.

Các sản phẩm giả cũng xuất hiện trên các trang thương mại điện tử của Mỹ như Amazon và eBay, bà Brons nói.

Vào tháng Tư, chính quyền Trump đã cảnh báo Alibaba, Amazon, eBay và các trang thương mại điện tử khác rằng chính phủ Mỹ sẽ trừng trị thẳng tay nếu các trang web không quyết liệt hành động chống lại việc bán sản phẩm giả. Cả 3 trang web đều cho biết họ cam kết hợp tác với chính phủ Mỹ để chống lại các sản phẩm giả mạo.

 

Thực thi lỏng lẻo

Vấn đề với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ ở Trung Quốc không phải do lỗ hổng luật pháp, theo ông Fred Rocafort, nhà cựu ngoại giao Mỹ, người đã làm việc về các vấn đề sở hữu trí tuệ ở châu Á trong hơn một thập kỷ. Khung pháp lý trong nước đầy đủ ở Trung Quốc, ông Rocafort nói, và Bắc Kinh đã ký kết một số thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Theo ông Rocafort, hiện là luật sư tại công ty luật quốc tế Harris Bricken, “vấn đề xuất hiện khi bạn bắt đầu xem xét việc thi hành án, diễn ra ở cấp địa phương nhiều hơn ở cấp quốc gia.” Sự quyết liệt giảm dần xuống các cấp thấp hơn.

Kết hợp việc thực thi pháp luật lỏng lẻo với thực tế Trung Quốc là cường quốc sản xuất của thế giới, kết quả là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, ông Rocafort cho rằng các doanh nghiệp Mỹ vẫn bảo vệ thành công tài sản trí tuệ của mình bằng cách hoạt động trong hệ thống pháp luật Trung Quốc.

Đầu tiên và quan trọng nhất, doanh nghiệp phải đăng ký tài sản trí tuệ ở Trung Quốc để có cơ hội bảo vệ sản phẩm của mình ở đó, ông Rocafort nói.

Bà Brons không đăng ký bằng sáng chế phát minh của mình ở Trung Quốc khi bắt đầu kinh doanh. Lúc đó, bà bày tỏ sự hối tiếc rằng chưa lường trước được hậu quả sau này. Nhưng với bà, việc lấy bằng sáng chế ở Trung Quốc cũng quá tốn kém vào thời điểm đó. “Tôi không đủ sức. Tôi chỉ là một giáo viên violon.”

Chi phí liên quan đến việc không đăng ký tài sản trí tuệ cũng rất cao. Bà Brons cho biết đã chi ít nhất 100.000 USD để chống lại những kẻ giả mạo ở Trung Quốc, một số tiền đáng kể cho công việc kinh doanh nhỏ của gia đình. Kể từ đó, bà đã đăng ký bảo vệ bản quyền ở Trung Quốc để bảo vệ phát minh của mình, sau khi nghe tin Bắc Kinh đang mạnh tay hơn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc thực sự đã tiến hành cải cách trong những năm gần đây khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra các cam kết công khai để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng Mỹ cho biết việc thực hiện là chưa đủ quyết liệt.

Washington và Bắc Kinh được cho là đã đạt được tiến bộ về vấn đề này trước khi các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ vào tháng Năm và cuộc chiến thương mại leo thang với một số đợt tăng thuế mới. Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các cam kết của mình, trong đó có tăng cường luật pháp để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc đó.

Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần này tại Washington, cho một vòng đàm phán khác. Cải thiện vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ là một trong những kết quả đáng mong chờ.

 

Không khác gì nộp thuế

Để có được thành công trong cuộc chiến chống lại hàng giả hàng nhái, bạn phải sẵn sàng hợp tác với chính quyền Trung Quốc, theo ông Rocafort. Điều này đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải tự thực hiện công việc điều tra.

Ông Larry Griffith đã có một số thành công trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ở Trung Quốc. Ông là chủ tịch và Giám đốc điều hành của Bohning Co., một doanh nghiệp nhỏ ở phía bắc Michigan sản xuất các bộ phận cho thiết bị bán cung, tạo ra doanh thu khoảng 6 triệu đến 7 triệu USD mỗi năm.

Trong nhiều năm, ông Griffith biết rằng các nhãn hiệu của công ty của ông đã bị xâm phạm ở Trung Quốc. Ông cho biết doanh số bán hàng của ông tại Úc, một trong những thị trường quan trọng nhất của ông, đã giảm xuống dưới 100.000 USD từ 500.000 USD/năm do các sản phẩm giả từ Trung Quốc.

Đáp trả lại, ông quyết định nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, quá trình này mất 14 tháng. Ông cho biết Bohning đã chi khoảng 250.000 USD để bảo vệ thương hiệu của mình khỏi hàng giả ở Trung Quốc và các quốc gia khác.

Ông Griffith, cùng với sự hỗ trợ từ một công ty luật ở Bắc Kinh có một đội ngũ điều tra viên, đã xác định 4 nhà máy sản xuất hàng giả. Cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích thành công vào 3 nhà máy ở Ninh Ba, thu giữ các sản phẩm giả (đây là những hàng hóa có giá trị ước tính hàng chục nghìn USD ở Mỹ), ông Griffith nói. Không ai có thể làm điều này nếu không có sự hỗ trợ bảo vệ thương hiệu của Trung Quốc, ông nói thêm.

“Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của chúng tôi. Đây không phải là vấn đề của chủ nghĩa dân tộc, đó là một vấn đề của pháp luật. Và tôi nghĩ rằng người Trung Quốc giống như rất nhiều quốc gia – họ rất quan tâm đến vấn đề pháp lý; họ muốn được công bằng,” ông Griffith nói.

Mặc dù có những thành công ban đầu, trận chiến với ông Griffith vẫn còn dài. Công ty của ông đang tiếp tục tìm kiếm các nhà máy sản xuất hàng giả và có thể sẽ mất nhiều năm để xử lý tất cả. Bất cứ ai có kế hoạch “lần theo” những kẻ giả mạo ở Trung Quốc nên biết đây một quá trình tốn thời gian, quan liêu, tẻ nhạt và tốn kém, ông cảnh báo.

“Tôi nghĩ rằng điều này giống như trả thuế – nó không bao giờ kết thúc. Nhưng bạn có thể thực sự tiêu diệt được chúng. Tôi coi những kẻ giả mạo như một tên bắt nạt trên sân chơi. Nếu bạn đứng lên chống trả quyết liệt, họ sẽ đi tìm một mục tiêu dễ dàng hơn.”

 

 

 

Theo Trí thức trẻ/CNBC