Cẩm nang nghề nghiệp

4 lời khuyên làm CV lỗi thời cần xoá khỏi tâm trí

 

Sơ yếu lý lịch (hay còn gọi là CV hoặc Resume) là một thành phần quan trọng trong bộ hồ sơ tìm việc, bởi vì nó thường là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng tìm kiếm và đọc được về ứng viên, cho nên chắc chắn bạn muốn nó phải thật bắt mắt và ấn tượng. Để có được một bản CV “khỏe và đẹp”, nhiều người sẽ nhờ bạn bè chia sẻ kinh nghiệm, số khác sẽ tìm đến các chỉ dẫn trên các trang cẩm nang nghề nghiệp. Nhiều trong số những lời khuyên này thực sự bổ ích. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, khi thời đại thay đổi thì các quan niệm cũng sẽ khác đi, các chỉ tiêu nghề nghiệp mở rộng hơn thì tiêu chuẩn cũng cần điều chỉnh. Do đó, trong quá trình thực hành viết CV, bạn cũng đừng nên quá máy móc, tin rằng mọi quy tắc sẽ bất di bất dịch.

Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về 4 quy tắc viết CV được xem là đã lỗi thời theo quan điểm của Dana Leavy-Detrick – Nhà sáng lập và Giám đốc sáng tạo của Brooklyn Resume Studio, đồng thời cũng là cựu huấn luyện viên về nghề nghiệp và tuyển dụng:

 

 

Quy tắc lỗi thời số 1: ĐỪNG ĐỀ CẬP CÁC CHI TIẾT VỀ CÁ NHÂN

Đưa thông tin cá nhân vào lý lịch từng bị xem là điều cấm kỵ. Nhưng nó chỉ đúng với trước đây, khi mà CV chỉ giống như ảnh chụp nhanh về lịch sử và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Giờ đây, nhiều người xem lý lịch như một phần trong tổng thể các “hành động” kể câu chuyện về họ. Tất nhiên, câu chuyện này có thể bao gồm vài chi tiết cá nhân về sở thích, niềm đam mê và giá trị bạn đề cao.

Leavy-Detrick nhận định rằng thông tin này đặc biệt thích hợp khi bạn muốn tìm việc trong những lĩnh vực đề cao các tác động xã hội, khi bạn nói về khát vọng, đam mê và giá trị cốt lõi của bản thân lại có thể chứng minh sự phù hợp của bạn với tổ chức.

Vậy loại thông tin cá nhân nào nên đưa vào CV và trình bày chúng tại mục nào là hiệu quả nhất? Hãy tập trung vào các vấn đề bạn quan tâm, những giá trị đã thúc đẩy bạn tạo nên thay đổi, và cách bạn đã hành động với những giá trị đó trong quá khứ. Có thể truyền đạt điều này ngay ở đoạn giới thiệu tóm tắt đầu CV hoặc gồm nó vào mục chia sẻ về Hoạt động tình nguyện hoặc trải nghiệm thực tế vì lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, luôn có một điều không thay đổi: Đừng quá tập trung vào các chi tiết cá nhân trong CV của bạn với những thông tin như tình trạng các mối quan hệ, có mấy người con, hoặc nuôi bao nhiêu loại thú cưng. Nó chỉ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn kém chuyên nghiệp, lãng phí không gian ít ỏi trên CV để nói những điều linh tinh thay vì tận dụng tốt nó để làm nổi bật tiềm năng và sự phù hợp.

 

Quy tắc lỗi thời số 2: CV KHÔNG NÊN DÀI HƠN 1 TRANG

CV dài một trang A4 đã từng là tiêu chuẩn, bởi vì nó tuyệt đối ngắn gọn, súc tích và có thể in trọn trên một trang giấy. Ngày nay, khi các chuyên viên tuyển dụng chủ yếu xem hồ sơ trên màn hình máy tính thì các quy tắc đã có phần uyển chuyển linh hoạt hơn, và độ dài CV của bạn phụ thuộc vào vị trí của bạn trong sự nghiệp của chính mình.

Leavy-Detrick khuyên các ứng viên mới lần đầu tìm việc hoặc còn non kinh nghiệm vẫn nên bám vào chuẩn một trang, bởi làm khác đi thì nó chỉ cho thấy bạn không có khả năng tối ưu các thông tin quan trọng vào một bản giới thiệu gọn gàng, hàm súc. Nhà tuyển dụng không cần biết tất cả những điều bạn từng làm, và nếu bạn chỉ mới có kinh nghiệm vài năm làm việc, một trang là vừa đủ về mọi thứ mà họ cần.

Khi bạn đã có thâm niên trong các môi trường làm việc khác nhau từ 10 – 12 năm, CV dài hai trang là hoàn toàn hợp lý.

 

Quy tắc lỗi thời số 3: PHẢI LIỆT KÊ MỌI THỨ TỪNG LÀM VÀO CV

CV của bạn chính là công cụ marketing: Mọi thứ ghi vào đó phải hỗ trợ cho thông điệp cần truyền tải cũng như câu chuyện muốn kể. Nếu có điều gì đó không đạt được yêu cầu này – hoặc tệ hơn là khiến bạn bị đánh giá thấp đi – thì nó không thuộc về CV của bạn.

Ví dụ: Nếu bạn từng làm cố vấn cho trại hè của thanh thiếu niên trong khu vực và bây giờ đang nộp đơn dự tuyển vào vị trí Chuyên viên thiết kế hoặc một chức danh nào đó có nền tảng không liên quan, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua công việc cố vấn trong CV. Quyết định này giúp bạn có nhiều không gian hơn để tập trung làm nổi bật kỹ năng và kinh nghiệm liên quan, đồng thời gây ấn tượng với nhà tuyển dụng về tiềm năng thực sự.

Leavy-Detrick nói rằng, khi đã có những bước thăng tiến nhất định trong sự nghiệp, bạn cũng có thể bỏ qua các chi tiết như điểm trung bình môn thi tốt nghiệp, các hoạt động thời đại học, khoá học liên quan… để nhường chỗ cho những thành tựu và trải nghiệm chuyên nghiệp hơn từng đạt được.

Kinh nghiệm chuyên môn mà một ứng viên từng tích luỹ được sẽ luôn nặng ký hơn các hoặc động giáo dục – học tập của họ, hãy ghi nhớ điều này khi bút viết CV.

 

 

Quy tắc lỗi thời số 4: CẦN MÔ TẢ MỌI KINH NGHIỆM THEO THỜI GIAN

Trong quá trình làm việc thực tế, Leavy-Detrick thỉnh thoảng cũng gặp những khách hàng muốn đưa vào lý lịch của họ các kinh nghiệm làm việc liên quan từ cách đó 10 – 15 năm, nhưng nếu họ thể hiện nó theo trình tự thời gian trong mục “Kinh nghiệm làm việc” đã quá đồ sộ thì chắc chắn nó sẽ bị vùi lấp hoặc trông có vẻ rất cũ.

Giải pháp gợi ý cho các ứng viên là hãy tạo nên một mục đặt tên “Kinh nghiệm bổ sung” hoặc tương tự như vậy để liệt kê các vai trò trước đây theo cách thu hút hơn.

Leavy-Detrick khuyên rằng, “thay vì cứ máy móc chọn một định dạng mẫu sau đó cố gắng lấp đầy thông tin vào, hãy nhìn tổng quát tất cả thông tin mình có và cố gắng tìm ra bố cục tốt nhất để trình bày”.

Mẹo: Nếu kinh nghiệm của bạn không được phát triển liên tục và liền mạch, thay vì chọn theo trình tự thời gian (chronological resume) thì bạn hãy cân nhắc hình thức viết theo chức năng (functional resume). Bản lý lịch theo dạng này thường được tổ chức theo chủ đề hoặc lĩnh vực/ kỹ năng chuyên môn, ví dụ như “quản lý dự án”, “kỹ năng lãnh đạo”. Nếu bạn chưa sẵn sàng để trình bày được tổng thể một lý lịch chức năng, thì có thể kết hợp các yếu tố của phương pháp này vào định dạng truyền thống trong đó bao gồm lịch sử làm việc theo thời gian.

 

Nguồn: Tham khảo